1. Trang chủ
  2. Doanh nghiệp, người lao động
  3. Hợp đồng lao động
  4. NLĐ có được ký nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn không?

NLĐ có được ký nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn không?

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Ngày đăng: 10/08/2021 – Ngày cập nhật: 10/08/2021

Nguồn: luatvietnam, 14-7-2021

Hợp đồng lao động có thời hạn được ký dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vậy các bên có được ký với nhau nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn không?

1. Thời hạn đặt ra với hợp đồng có thời hạn là bao lâu?

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Theo quy định hiện hành, hợp đồng lao động gồm 02 loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn.

Trong đó, điểm b khoản 1 Điều 20 BLLĐ năm 2019 định nghĩa về hợp đồng có thời hạn như sau:

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, có thể thấy, thời hạn đặt ra với hợp đồng lao động xác định thời hạn là tối đa 36 tháng. Đồng nghĩa rằng, nếu thỏa thuận ký hợp đồng lao động có thời hạn thì thời hạn làm việc tối đa là 03 năm. Trong khi đó, nếu thỏa thuận với thời hạn làm việc dài hơn thì các bên phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

2. Có được ký nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn không?

Theo khoản 2 Điều 20 BLLĐ năm 2019, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì hai bên phải ký hợp đồng mới trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến hợp đồng đã ký hết hạn.

Khi ký hợp đồng mới, điểm c khoản 2 Điều này nêu rõ, các bên chỉ được ký thêm một lần hợp đồng lao động có thời hạn. Sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Tuy nhiên Điều luật này cũng loại trừ đối với một số trường hợp cụ thể. Theo đó, trường hợp thông thường, các bên chỉ được ký tối đa 02 lần hợp đồng có thời hạn. Nhưng với những người lao động sau đây, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động có thời hạn nhiều hơn 02 lần:

  • Người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước.
  • Người lao động cao tuổi: Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu khi làm việc trong điều kiện bình thường (khoản 1 Điều 149 BLLĐ 2019).
  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (khoản 2 Điều 151 BLLĐ năm 2019).
  • Người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động: Trường hợp này người sử dụng lao động phải tiến hành gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ của người đó (khoản 4 Điều 177 BLLĐ năm 2019).

3. Không ký hợp đồng mới mà kéo dài thời hạn bằng phụ lục được không?

Trước đây, Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP (hết hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021) cho phép các bên được sửa đổi thời hạn hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động với nội dung như sau:

Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.

Theo đó, các bên có thể ký phụ lục để kéo dài thời hạn hợp đồng lao động nhưng chỉ được sửa đổi một lần và đảm bảo không làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết.

Tuy nhiên, văn bản này đã hết hiệu lực. Thay vào đó, khoản 2 Điều 22 BLLĐ năm 2019 đã nêu rất rõ ràng:

Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Như vậy, theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động và người lao động không được giao kết phụ lục hợp đồng để kéo dài thời hạn của hợp đồng lao động. Thay vào đó, các bên buộc phải ký hợp đồng mới hoặc chấm dứt hợp đồng khi hợp đồng lao động cũ hết hạn.

Bài viết này hữu ích chứ?

Bài viết liên quan

Để lại bình luận