1. Trang chủ
  2. Doanh nghiệp, người lao động
  3. Thuế TNCN
  4. Chi phí chữa bệnh có được tính để giảm trừ gia cảnh?

Chi phí chữa bệnh có được tính để giảm trừ gia cảnh?

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Ngày đăng: 13/04/2021 – Ngày cập nhật: 26/07/2021

Trong trường hợp  người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo, mạn tính, các khoản tiền thuốc, dịch vụ y tế nằm ngoài danh mục BHYT (trung bình hằng tháng trên 6 triệu đồng) có được cộng thêm vào mức 11 triệu đồng theo quy định hiện tại để tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân không?

Về vấn đề này, Chi cục Thuế quận Tân Bình, TPHCM có ý kiến như sau:

Căn cứ Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02-06-2020 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 01-07-2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020) về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như sau:

“Điều 1. Mức giảm trừ gia cảnh

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau:

1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng…”.

Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15-08-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN như sau:

“Điều 4. Giảm thuế

Theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế TNCN, Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Cụ thể như sau:

1. Xác định số thuế được giảm

a) Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.

b) Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế TNCN mà người nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:

… b.2) Thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

c) Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ (-) đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo hiểm (nếu có) hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có).

d) Số thuế giảm được xác định như sau:

d.1) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại.

d.2) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp”.

“Điều 7. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:

1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư này.

2. Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế TNCN, cụ thể như sau:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

…”

Tại Điểm a.5 Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15-06-2015 của Bộ Tài chính (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30-07-2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNCN từ năm 2015 trở đi) hướng dẫn:

“Điều 21. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06-11-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22-07-2013 của Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư số 156/2013/TT-BTC) như sau:

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16

…a.5… – Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì không ủy quyền quyết toán thuế mà cá nhân tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06-11-2013 của Bộ Tài chính…”.

Tại Khoản 1 Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06-11-2013 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 20-12-2013) hướng dẫn Luật Quản lý thuế như sau:

“Điều 46. Trường hợp cơ quan thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế

Cơ quan thuế trực tiếp kiểm tra hồ sơ ra quyết định miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp sau đây:

1. Miễn, giảm thuế TNCN

… b) Hồ sơ miễn thuế, giảm thuế

… b.3) Đối với người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo

Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.

Bản chụp hồ sơ bệnh án hoặc sổ khám bệnh.

Các chứng từ chứng minh chi phí khám chữa bệnh do cơ quan y tế cấp; hoặc hóa đơn mua thuốc chữa bệnh kèm theo đơn thuốc của bác sĩ.

Tờ khai quyết toán thuế TNCN (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế)…

c) Nơi nộp hồ sơ miễn, giảm thuế

Đối với người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo nơi nộp hồ sơ miễn, giảm thuế là cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú…”.

Theo hướng dẫn tại Công văn số 6383/BTC-TCT ngày 18-05-2015 của Bộ Tài chính về việc xác định cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế TNCN.

Căn cứ các quy định nêu trên, mức giảm trừ gia cảnh bản thân là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02-06/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trường hợp cá nhân có phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công thì hàng tháng tổ chức chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15-08-2013 của Bộ Tài chính.

Cuối năm, trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật thì không ủy quyền quyết toán thuế mà cá nhân tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06-11-2013 của Bộ Tài chính nêu trên.

Chi cục Thuế quận Tân Bình thông báo ông được biết để tham khảo thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản mới.

Nguồn: luatvietnam

Bài viết này hữu ích chứ?

Bài viết liên quan

Để lại bình luận