1. Trang chủ
  2. Doanh nghiệp, người lao động
  3. Thuế TNCN
  4. Cha mẹ không đi làm có được giảm trừ gia cảnh?

Cha mẹ không đi làm có được giảm trừ gia cảnh?

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Ngày đăng: 28/06/2021 – Ngày cập nhật: 29/07/2021

Việc cha mẹ không đi làm có được giảm trừ gia cảnh hay không sẽ ảnh hưởng đến việc một người phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà cha mẹ không đi làm có thể được tính là người phụ thuộc và được giảm trừ gia cảnh.

Cha mẹ thuộc đối tượng người phụ thuộc gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Điều kiện là người phụ thuộc và được giảm trừ

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cha mẹ của người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Điều kiện cần

Cha mẹ trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

  • Bị khuyết tật, không có khả năng lao động: Là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).
  • Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

Điều kiện đủ

Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

Hồ sơ chứng minh cha mẹ thuộc đối tượng giảm trừ

Theo tiết g.3 điểm g khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp hồ sơ chứng minh để được giảm trừ gồm:

  • Bản chụp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
  • Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).

Mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc

Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức giảm trừ gia cảnh sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc, các khoản được miễn thuế, đóng góp từ thiện quy định như sau:

Không có người phụ thuộc: trên 11 triệu đồng/tháng.

  • Có 1 người phụ thuộc: trên 15,4 triệu đồng/tháng.
  • Có 2 người phụ thuộc: trên 19,8 triệu đồng/tháng.
  • Có 3 người phụ thuộc: trên 24,2 triệu đồng/tháng.
  • Có 4 người phụ thuộc: trên 28,6 triệu đồng/tháng.

Như vậy khi cha mẹ không đi làm nhưng tùy vào trường hợp cụ thể mà người nộp thuế được hoặc không được tính giảm trừ gia cảnh.

>> Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký thuế lần đầu cho người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh năm 2021

Nguồn: luatvietnam

Bài viết này hữu ích chứ?

Bài viết liên quan

Để lại bình luận