Ngày đăng: 18/12/2021 – Ngày cập nhật: 20/12/2021
Nguồn: Ngọc Thu KT Thuế, Facebook, 09-12-2021
Đối với doanh nghiệp, do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép
Theo quy định Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan đăng ký kinh doanh trước 15 ngày. (Không cần nộp đến cơ quan thuế)
Ví dụ: Công ty A đăng ký tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01-01-2020 đến ngày 31-12-2020 thì thời hạn nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là ngày 16-12-2019 (trước 15 ngày)
Đối với tổ chức kinh tế, tổ chức khác, giấy phép thành lập không do Sở kế hoạch và đầu tư cấp mà do các cơ quan hành chính cấp
Căn cứ Điều 21 Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28-6-2016 quy định: Tổ chức kinh tế, tổ chức khác khi tạm ngừng kinh doanh phải có thông báo bằng văn bản mẫu số 23/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và cơ quan cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chậm nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh.
Ví dụ: Hợp tác xã B đăng ký tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01-01-2020 đến ngày 31-12-2020 thì thời hạn nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan thuế và cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã chậm nhất là ngày 16-12-2019 (trước 15 ngày)
Lưu ý về tạm ngừng kinh doanh
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác khi tạm ngừng kinh doanh thì nên tạm ngừng trọn năm dương lịch (từ 01-01-2020 đến 31-12-2020). Tạm ngừng trọn năm dương lịch đơn vị không phải nộp Lệ phí Môn bài năm 2020, không nộp hồ sơ khai thuế hàng tháng hoặc quý và hồ sơ quyết toán thuế năm 2020 (trừ trường hợp ra hoạt động trở lại trong năm 2020).
- Doanh nghiệp hoạt động và kê khai thuế trong năm 2019 thì trước khi tạm ngừng kinh doanh, đơn vị phải nộp các hồ sơ khai thuế GTGT, Báo cáo hóa đơn quý đến thời điểm tạm ngừng kinh doanh. Đồng thời nộp hồ sơ quyết toán thuế của năm 2019 (hạn nộp 31-03-2020).
Tại Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020, Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là nội dung quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
Cụ thể, căn cứ xác định thời gian người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là thời gian tạm ngừng kinh doanh được ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp…
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh này, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trừ trường hợp tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán.
Đồng thời, trong thời gian này, người nộp thuế cũng không được sử dụng hóa đơn, không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Nếu được chấp thuận sử dụng hóa đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.
Không chỉ vậy, người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Đặc biệt, người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế không được đăng ký tạm ngừng kinh doanh khi cơ quan thuế đã có thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký…