1. Trang chủ
  2. Kế toán, thuế (2)
  3. Kế toán sản xuất
  4. Quy trình hạch toán kế toán doanh nghiệp sản xuất theo TT133

Quy trình hạch toán kế toán doanh nghiệp sản xuất theo TT133

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Ngày đăng: 25/08/2022 – Ngày cập nhật: 25/08/2022

Nguồn: Bùi Vũ Thảo Linh

Khi hạch toán 1 doanh nghiệp sản xuất cần chú ý những đặc điểm sau:

  • Ngành hàng sản xuất là gì? Có đặc thù gì không? Quy trình sản xuất của đơn vị như nào?
  • Sản phẩm sản xuất ra là gì, có đặc thù gì không? Định mức sản xuất sản phẩm như nào, thời gian 1 vòng đời sản phẩm ra sao?
  • Nguyên vật liệu đầu vào gồm những gì, đơn vị nào cung cấp, nguồn cung cấp đó trong nước hay nước ngoài?
  • Các sản phẩm có phải chịu thuế TTĐB không? Thuế xuất khẩu không?
  • Khách hàng chủ yếu của đơn vị là khách hàng nào? Có trong khu công nghiệp khu chế xuất, hay dn được miễn thuế không?
  • Thuế xuất của hàng bán ra như nào? Có phải thuế suất 10% thông thường hay có đặc thù khác, các ngành hàng như thức ăn chăn nuôi là KCT, các loại nông sản khi nào xuất cho đối tượng nào là 5%…
  • Sản phẩm bán ra có liên quan đến chi phí bảo hành hay không?
  • DN mình tự sản xuất rồi bán hay trong quá trình đó lại phải thuê gia công 1 số công đoạn?
  • Có giao đại lý không? Hợp đồng đại lý như nào và mình trả chiết khấu gì? Chiết khấu thanh toán? Chiết khấu bán hàng hay không?
  • Công nhân sản xuất được hưởng lương như nào? Cố định hay theo sản phẩm? Có nhiều lao động thời vụ không?
  • Nhân viên bán hàng đang được trả lương theo doanh thu hay cố định, hay cả doanh thu và cố định? Các quy chế lương, thưởng trong dn như nào?

Tất cả những nội dung trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc khi kế toán hạch toán đúng, đầy đủ nội dung của các nghiệp vụ phát sinh.

Sau đây là hướng dẫn chi tiết cho từng nghiệp vụ phát sinh của doanh nghiệp sản xuất tròn 1 năm tài chính: Giả định doanh nghiệp mới thành lập 01-01-2021, doanh nghiệp áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, doanh nghiệp hạch toán kế toán theo TT133

1. Góp vốn kinh doanh

 Khi doanh nghiệp mới thành lập, phụ thuộc vào tình hình góp vốn của chủ sở hữu, kế toán ghi nhận phần vốn góp của chủ sở hữu như sau:

Nợ TK 111, 112

Có TK 411

2. Các nghiệp vụ liên quan đến ngân hàng

Nộp tiền vào tài khoản:

Nợ TK 112

Có TK 111

Rút tiền nhập quỹ TM:

Nợ TK 111

Có TK 112

Các khoản phí chuyển tiền, phí QLTK

Nợ TK 6422

Có TK 112

Lãi tiền gửi

Nợ TK 112

Có TK 515

Nếu DN cho vay tiền, đầu tư chứng khoán … (cái này DN vừa và nhỏ thường ít, toàn đi vay là chính):

Nợ TK 128

Có TK 111, 112

Nếu thu tiền vay và lãi:

Nợ TK 111, 112

Có TK 128

Có TK 515

3. Hạch toán lệ phí môn bài

Hiện nay theo TT 65/2020/TT-BTC doanh nghiệp mới thành lập được miễn 01 năm lệ phí môn bài, từ năm thứ 2 trở đi nộp bình thường, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ cá thể được miễn môn bài 3 năm đầu kể từ năm thành lập. Hiện tại các mức đóng môn bài cho doanh nghiệp như sau:

Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

  • Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
  • Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.

Hạch toán lệ phí môn bài (từ năm 2 trở đi) như sau:

a. Tính lệ phí môn bài vào chi phí:

Nợ TK 642

Có TK 3339

b. Nộp lệ phí môn bài:

Nợ TK 3339

Có TK 111, 112

4. Mua chữ ký số

Khi doanh nghiệp thành lập lên, việc đầu tiên là phải mua chữ ký số, dựa vào thời gian mình mua chữ ký số 1 năm hay 3 năm để lựa chọn hạch toán cho chính xác.

a. DN khi mua CKS kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 2421 (2422) (giá trị chữ ký số)
Nợ TK 133 Thuế GTGT mua vào

Có TK 111, 112, 331

b. Hàng tháng, kế toán phân bổ chi phí như sau:

Nợ TK 6422

Có TK 2421 (2422) giá trị bằng giá trị chữ ký số chia cho số tháng sử dụng.

>>> Xem thêm: Dịch vụ chữ ký số FAST

5. Công cụ dụng cụ 

Doanh nghiệp mua công cụ dụng cụ như máy tính, máy in, điều hòa, tivi, tủ lạnh, xe máy…. Có giá trị dưới 30 triệu được tính là công cụ và được phân bổ chi phí tối đa không quá 3 năm, tùy thuộc vào giá trị và thời gian sử dụng, kế toán tự lựa chọn thời gian phân bổ.

a. Khi doanh nghiệp mua công cụ

Nợ TK 153 giá trị CCDC

Nợ TK 133 Thuế GTGT đầu vào

Có TK 111, 112, 331

b. Khi doanh nghiệp xuất đưa vào sử dụng, do có công cụ dùng cho quản lý, công cụ dùng cho sản xuất nên khi xuất dùng phải chia theo mục đích sử dụng, phân bổ phòng ban sử dụng để theo dõi và xác định được đưa vào chi phí gì:

Nợ TK 2421, 2422 (phiếu xuất kho)

Có TK 153

c. Hàng tháng, kế toán phân bổ chi phí như sau:

Nợ TK 642 (6421 hoặc 6422) nếu dùng cho quản lý

Nợ TK 154 nếu dùng cho sản xuất(chi phí này sau này sẽ phân bổ cho các sp hoặc 1 số sp tuỳ theo thực trạng của doanh nghiệp)

Có TK 2421 (2422) giá trị bằng giá trị CCDC chia cho số tháng sử dụng

6. Các chi phí khác bằng tiền 

Các chi phí khác bằng tiền như: CP thành lập DN, CP mua hóa đơn GTGT điện tử, CP tiếp khách, CP xăng dầu, CP điện thoại, điện nước, chi phí thuê nhà, thuê xe của công ty được hạch toán như sau:

Nợ TK 642 (6421 hoặc 6422) nếu dùng cho quản lý

Nợ TK 154 nếu dùng cho sx

Nợ TK 133 (nếu có)

Có TK 111, 112, 331

Chú ý: trong sản xuất, phần điện, nước sử dụng là phần định mức cứng, nên khi làm định mức sản xuất mọi người chú ý định mức tính theo số điện/ sản phẩm chứ ko tính theo số tiền/ sản phẩm, vì có giờ cao điểm, thấp điểm, nếu tính theo số tiền sẽ ra số sp khác nhau. Sau khi đã xây dựng được định mức rồi thì phải chốt cứng định mức đó, định mức nếu có thay đổi thì lại phải có hồ sơ giải trình cho việc thay đổi đó. Định mức nên tham khảo các đơn vị cùng ngành, cùng vùng tránh việc xây dựng vượt mức chung nhiều quá khó giải trình, còn nếu thực tế đơn vị bạn như vậy thì để nguyên, vì khi cơ quan kiểm tra yêu cầu chạy thử sẽ đúng thực tế.

7. Tài sản cố định 

Nếu doanh nghiệp mua TSCĐ, các chi phí hình thành TSCĐ được hạch toán như sau: (trường hợp TSCĐ là đi mua)

a. Mua TSCĐ: bao gồm cả giá trị TSCĐ và chi phí mua, lắp đặt, chạy thử TSCĐ (khi nào nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng thì ghi tăng TSCĐ):

Nợ TK 211

Nợ TK 1332

Có TK 112, 331

b. Hàng tháng, sau khi ghi tăng TSCĐ, kế toán xác định giá trị khấu hao TSCĐ và đưa vào chi phí:

Nợ TK 642 (6421, 6422)

Nợ TK 154 (chi phí SX chung)

Có TK 214

Chú ý: Nếu thời gian khấu hao TSCĐ của doanh nghiệp nhanh hơn thời gian khấu hao TSCĐ theo quy định của nhà nước, thì phần chênh lệch giá trị đó bị loại khỏi chi phí được trừ tại chỉ tiêu B4 khi quyết toán thuế TNDN. Một số trường hợp bị loại chi phí được trừ theo quy định của luật thuế TNDN cũng sẽ bị loại tương tự, về mặt kế toán vẫn hạch toán bình thường, chỉ có khi quyết toán TNDN nhớ loại tại chỉ tiêu B4.

8. Nhập nguyên vật liệu trong nước

a. Mua hàng trong nước nhập kho: Khi doanh nghiệp mua hàng nhập kho sẽ hạch toán như sau:

Nợ TK 152

Nợ TK 133 (nếu có)

Có TK 111, 112, 331

Chú ý dù khi mua hàng, hóa đơn nhận về là hóa đơn GTGT hay HĐ Trực tiếp thì tổng giá trị lô hàng cứ từ 20 triệu trở lên là phải thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản, đối trừ công nợ…)

Trong 1 ngày, nếu mua nhiều lần nhưng tổng giá trị các lần nhập cùng 1 ngày từ 20 triệu trở lên vẫn phải thanh toán không dùng tiền mặt.

Nếu trong 1 ngày có 1 lô trên 20 triệu, 1 lô dưới 20 triệu thì tổng cả 2 lô vẫn phải TT không dùng tiền mặt.

Trong trường hợp, hàng về trước hóa đơn về sau, tuy nhiên vẫn nhập vào cùng 1 ngày, thì sau này dù hóa đơn xuất dưới 20 triệu và khác ngày nhau thì vẫn phải TT không dùng TM bình thường (cái này dành cho các bạn âm kho mà đẩy lượng thì chú ý khi đẩy lượng đừng có đẩy 2 lô tổng từ 20 triệu trở lên vào cùng 1 ngày).

b. Các chi phí mua hàng, các khoản phí kèm theo: (Nếu bạn có chi phí vận chuyển, cp phát sinh cho quá trình mua hàng về nhập kho, các bạn để ý ngày phát sinh trên hóa đơn nên trước ngày nhập kho hàng hóa, tránh trường hợp bị loại chi phí vì hàng đã nhập kho mới phát sinh chi phí vận chuyển về kho).

Nợ TK 152

Nợ TK 133 (nếu có)

Có TK 111, 112, 331

c. Nếu mua hàng trong nước không qua kho, mà mang giao cho xưởng sản xuất luôn thì có thể hạch toán mua hàng và chi phí mua hàng như sau:

Nợ TK 154

Nợ TK 133 (nếu có)

Có TK 111, 112, 331

Tuy nhiên, dù có mua không mang về kho mà giao thẳng cho khách hàng thì cũng nên nhập qua kho để kiểm soát được số lượng hàng hóa mua bán trên sổ sách kế toán dễ dàng hơn.

9. Nhập nguyên vật liệu nhập khẩu

Khi bạn mua hàng hóa nhập khẩu thì ngày giá trị hàng mua có thể có thêm 1 số loại thuế phí khác. Việc mua hàng hạch toán như sau:

a. Mua hàng nhập khẩu:

Nợ TK 152

Có TK 331 (chi tiết cho từng đối tượng và chú ý tỷ giá tại ngày giao dịch)

b. Thuế phí nếu có gồm:

Thuế nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, các khoản phí khác như phí lưu công, phí bốc xếp…:

Nợ TK 152

Có TK 3332, 3333; 3338; 3339, 111, 112, 331

Thuế GTGT hàng nhập khẩu:

Nợ TK 133

Có TK 33312

c. DN đi nộp thuế:

Nợ TK 3332, 3333; 3338; 3339

Có TK 111, 112

10. Các khoản khuyến mại, chiết khấu khi mua hàng

a. Khi được tặng kèm sản phẩm cùng loại như mua 10 tặng 1 tính tiền 10.

Nếu cùng trên 1 hóa đơn, kế toán hạch toán nhập kho 11 với tổng giá trị của 10 sản phẩm, bút toán hạch toán như sau:

Kế toán nhập kho:

Nợ TK 152 số lượng là 11, giá trị là của 10 sp

Nợ TK 133 (nếu có)

Có TK 111, 112, 331

Khi hàng tặng kèm được xuất 1 hóa đơn riêng:

  • Với hóa đơn 10 sản phẩm vẫn hạch toán bình thường
  • Với hóa đơn 1 sản phẩm được tặng hạch toán

Hạch toán hàng nhập kho theo phiếu nhập kho

Nợ TK 152 (nếu có giá tiền thì nhập theo giá tiền, không có giá tiền thì tính giá trị theo hàng hóa tương đương)

Nợ TK 133 (nếu có)

Có TK 331 (nếu không xác định vào công nợ thì hạch toán TK711)

Hạch toán khoản công nợ không phải thanh toán:

Nợ TK 331

Có TK 711

b. Nếu hàng tặng là hàng không cùng chủng loại: khi đó kế toán hạch toán nhập kho riêng biệt:

Nợ TK 152, 153, 156: SP chính (số lượng là 10, giá trị bằng giá trên hóa đơn – giá trị của hàng khuyến mại)

Nợ TK 152, 153, 156: giá trị của hàng khuyến mại (với giá tương ứng trên thị trường)

Nợ TK 133 (nếu có)

Có TK 111, 112, 331, 711

c. Khi được chiết khấu thanh toán, trả tiền trước hạn, hoặc mua giá trị từ bao nhiêu trở lên được chiết khấu %, khi đó hạch toán:

Nợ TK 331,111,112

Có TK 515, 711

d. Khi hàng mua trả lại: Trường hợp hàng mua trả lại, khi xuất trả lại phải xuất hóa đơn của bên công ty mình ra, không được hạch toán doanh thu, không kê khai thuế GTGT trên phụ lục bán ra mà phải xác định giảm giá trị mua vào và giảm thuế GTGT đầu vào. Hồ sơ để xác định hàng trả lại phải đầy đủ cả biên bản xác nhận hàng lỗi, hàng trả lại, có biên bản nhận hàng và thỏa thuận phương án trả lại có chữ ký của cả 2 bên mua bán, khi nhập kho đơn giá nào thì xuất kho trả với đơn giá đó, hạch toán ngược lại lúc nhập kho.

Nợ TK 331, 111, 112

Có TK 152

Có TK 1331

11. Quá trình sản xuất sản phẩm

Khi bắt đầu quá trình sản xuất sản phẩm, kế toán phải xây dựng được định mức vật tư sản xuất sản phẩm, nhân công sản xuất, chi tiết theo từng loại, nhóm sản phẩm, chi tiết định mức điện, nước, giờ máy, 1 sản phẩm qua bao nhiêu công đoạn, mỗi công đoạn qua các máy móc gì, chi phí ntn sau đó mới có thể tập hợp tính giá thành sản xuất được.

a. Xuất nguyên vật liệu đưa vào sản xuất:

Nợ TK 154 (chi tiết cho từng sản phẩm)

Có TK 152 (chi tiết cho từng nguyên vật liệu)

b. Nhân công sản xuất: chú ý nếu chi tiết từng phân xưởng, thì KT lập bảng lương chi tiết từng phân xưởng riêng, phần lương có thể chi tiết cho từng sp, trường hợp không chi tiết được thì phân bổ, có các tiêu chí phân bổ như phân bổ theo nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp…

Tính lương:

Nợ TK 154

Có TK 334

Các khoản trích theo lương

Nợ TK 154

Nợ TK 334

Có TK 3382, 3383, 3384, 3385

Thuế TNCN nếu có

Nợ TK 334

Có TK 3335

c. Phân bổ chi phí chung:

Các chi phí chung bao gồm: điện nước, khấu hao TSCĐ, phân bổ công cụ dụng cụ, cp bằng tiền khác được phát sinh ở các nghiệp vụ trên liên quan đến sx được tập hợp ở bên Nợ TK 154, đến bước này cần phân bổ chi phí cho các sản phẩm sản xuất trong kỳ.

d. Trường hợp nếu có phế liệu thu hồi, KT hạch toán:

Nợ TK 152

Có TK 154

e. Tính giá thành thành phẩm: ở bước này, khi tính xong giá thành, kế toán hạch toán:

Nợ TK 155 (chi tiết cho từng mặt hàng)

Có TK 154

12. Bán hàng

Ghi nhận doanh thu: các trường hợp cùng 1 mặt hàng tại cùng 1 thời điểm mà giá bán khác nhau thì dễ bị truy thu theo giá cao nhất nếu không có hồ sơ chứng minh tại sao có giá khác biệt.

Nợ TK 131,111,112: tổng số tiền phải thu/đã thu của KH

Có TK 5112: tổng giá bán chưa VAT

Có TK 33311: VAT đầu ra, thường là 10%

Ghi nhận giá vốn: Tùy theo DN chọn phương pháp tính giá xuất kho nào mà phần mềm chạy theo nguyên tắc đó. Chú ý: các trường hợp giá vốn cao hơn doanh thu sẽ dễ bị truy thu.

Nợ TK 632

Có TK 155

Trường hợp sản phẩm sx ra không nhập kho mà giao luôn cho khách, hạch toán:

Nợ TK 632

Có TK 154

Nếu trong kỳ vừa sản xuất ra mặt hàng nhập kho và mặt hàng không nhập kho, thì khi tính giá thành, các chi phí chung phải phân bổ cho tất cả các SP chứ ko chỉ là SP nhập kho.

Một số mặt hàng không bao giờ được nhập kho như bê tông tươi

Thu tiền bán hàng

Nợ TK 111, 112

Có TK 131

13. Trường hợp giao hàng đại lý

Có thể sử dụng “Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý” kèm theo “Lệnh điều động nội bộ” tại thời điểm xuất kho, hoặc hóa đơn GTGT hàng gửi bán đại lý.

Khi xuất kho sản phẩm, hàng hóa giao cho các đại lý:

Doanh nghiệp phải lập Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý kèm theo Lệnh điều động nội bộ, căn cứ vào phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý, ghi:

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán

Có TK 155 – Thành phẩm

Khi hàng giao cho đại lý đã bán được:

Căn cứ vào “Bảng thanh toán hàng đại lý, ký gửi” của hàng đã bán do các bên nhận đại lý hưởng hoa hồng lập gửi về, kế toán lập hoá đơn GTGT cho số hàng hoá thực tế tiêu thụ giao cho đại lý và phản ánh doanh thu, ghi:

Nợ các TK 111, 112: Nếu thu tiền ngay

Nợ TK 131 (chi tiết đại lý): Nếu chưa thu được tiền

Có TK 5112 – Doanh thu bán thành phẩm

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

Đồng thời phản ánh giá vốn của hàng bán ra, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 157 – Hàng gửi đi bán.

Khi nhân được hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng về số tiền hoa hồng phải trả cho đơn vị nhận bán hàng đại lý hưởng hoa hồng, ghi:

Nợ TK 6421 –hoa hồng đại lý chưa có thuế GTGT

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112:

Có TK 131 (chi tiết đại lý): Nếu bù trừ vào tiền hàng.

Khi nhận được tiền của đại lý thanh toán, ghi:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 131 (chi tiết đại lý).

14. Các khoản giảm trừ doanh thu

a. Chiết khấu thương mại

Khi KH mua đạt tới một mức nào đó thì DN có chính sách chiết khấu cho KH

Trường hợp KH mua hàng nhiều lần mới đạt được lượng hàng mua được hưởng chiết khấu thì khoản chiết khấu thương mại này được ghi giảm trừ vào giá bán trên “Hóa đơn GTGT” hoặc “Hóa đơn bán hàng” lần cuối cùng.

Trường hợp khách hàng không tiếp tục mua hàng, hoặc khi số chiết khấu thương mại người mua được hưởng lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hoá đơn lần cuối cùng thì phải chi tiền chiết khấu thương mại cho người mua. Khoản chiết khấu thương mại trong các trường hợp này được hạch toán vào bên nợ Tài khoản 511.

Nợ TK 5112

Nợ TK 33311

Có TK 131,111,112

Trường hợp người mua hàng với khối lượng lớn được hưởng chiết khấu thương mại, giá bán phản ánh trên hóa đơn là giá đã giảm giá (đã trừ chiết khấu thương mại) thì khoản chiết khấu thương mại này không được hạch toán vào TK 511.

Doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã trừ chiết khấu thương mại.

b. Hàng bán bị trả lại: Khi đó khách hàng sẽ xuất lại hóa đơn GTGT cho hàng bị trả lại, có biên bản xác nhận 2 bên làm căn cứ kê khai giảm doanh thu trên tờ khai thuế GTGT chứ không kê vào phần giá trị hàng mua vào.

Ghi giảm doanh thu, công nợ phải thu KH: bán giá nào thì ghi giảm công nợ giá đó

Nợ TK 511: Giá bán chưa VAT

Nợ TK 33311: VAT

Có TK 131,111,112: tổng số tiền phải trả/đã trả lại cho khách hàng.

Giảm giá vốn: xuất kho giá nào thì bây giờ ghi giá đó

Nợ TK 155, 157

Có TK 632

Các chi phí phát sinh liên quan đến hàng bán bị trả lại

Nợ TK 6421, 1331

Có TK 331, 111,112…

c. Giảm giá hàng bán

Nợ TK 511

Nợ TK 33311

Có TK 111,112,131

15. Hạch toán khấu trừ thuế GTGT

Kế toán lập bảng kê mua vào bán ra, lập tờ khai thuế GTGT, nếu:

Thuế GTGT đầu vào + thuế GTGT kỳ trước chuyển sang lớn hơn thuế GTGT đầu ra, thì DN được khấu trừ hết số thuế GTGT đầu ra; nếu Thuế GTGT đầu vào + thuế GTGT kỳ trước chuyển sang nhỏ hơn thuế GTGT đầu ra, thì DN được khấu trừ hết số thuế GTGT đầu vào + thuế GTGT kỳ trước chuyển sang.

a. xác định số thuế được khấu trừ:

Nợ TK 3331

Có TK 133

b. Trường hợp số thuế được khấu trừ nhỏ hơn số thuế GTGT đầu ra, DN phải đi nộp thuế, khi có chứng từ nộp tiền về hạch toán:

Nợ TK 3331

Có TK 111, 112

 

16. Hạch toán lương và các khoản trích theo lương

a. Lương: Trong phần lương, KT chú ý các khoản tính hoặc không tính nộp BHXH để phân bố chi phí lương cho hợp lý. Thông thường, với đơn vị thương mại thì chia làm 2 loại lương, lương cố định và lương doanh số. Lương doanh số thì chú ý chức danh công việc, nội dung công việc để chi lương, chia theo tỷ lệ % doanh số hay chi theo doanh thu đơn hàng…

Tính lương:

Nợ TK 6421, 6422

Có TK 334

b. Các khoản trích theo lương

Nợ TK 6421, 6422

Nợ TK 334

Có TK 3382, 3383, 3384, 3385

c. Thuế TNCN nếu có

Nợ TK 334

Có TK 3335

Khi đi nộp thuế TNCN là doanh nghiệp đi nộp hộ người lao động (khấu trừ tại nguồn), KT hạch toán: (nhớ phải lập chứng từ khấu trừ trả người lao động)

Nợ TK 3335

Có TK 111, 112

d. Trả lương:

Nếu DN trả lương người lao động bằng tiền:

Nợ TK 334

Có TK 111, 112

Nếu doanh nghiệp có dùng sản phẩm sản xuất ra để trả thay lương cho người lao động, trước tiên Kế toán ghi nhận doanh thu của sản phẩm dùng để trả lương cho người lao động:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (tổng giá thanh toán)

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 33311 – Thuế GTGT phải nộp

Có TK 3335 – Thuế thu nhập cá nhân (nếu có).

Đồng thời kế toán ghi nhận giá vốn hàng bán đối với giá trị sản phẩm dùng để trả lương cho công nhân viên và người lao động:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 155 – Thành phẩm

17. Vay vốn để kinh doanh

a. Khi đi vay:

Nợ TK 111, 112

Có TK 341 (3411, hoặc 3412 tùy vào thời gian vay)

b. Khi trả tiền vay và lãi tiền vay:

Nợ TK 341

Nợ TK 635

Có TK 111, 112

18. Khi thanh lý TSCĐ, CCDC

a. Xác định giá trị còn lại của TSCĐ, CCDC:

Nợ TK 214

Nợ TK 811

Có TK 211

b. Xác định chi phí thanh lý TSCĐ, CCDC

Nợ TK 811

Nợ TK 1331 (nếu có)

Có TK 111, 112, 331

c. Xác định giá trị thu hồi của TSCĐ, CCDC:

Nợ TK 111, 112, 131

Có TK 711

Có TK 3331

19. Cuối kỳ xác định thuế TNDN phải nộp

Để xác định được thuế TNDN phải nộp các bạn nên kết chuyển chi phí lần đầu để xác định được khoản thu nhập chịu thuế TNDN. Sau đó, bạn cộng toàn bộ khoản chi phí không được trừ, trừ đi doanh thu miễn thuế, trừ đi phần chuyển lỗ, khi đó bạn đã xác định được thu nhập tính thuế, nếu trong kỳ có ưu đãi về thuế TNDN, thì bạn sẽ tính hết khoản đó, sau khi xác định được chính xác số thuế phải nộp bạ hạch toán:

Công thức xác định thuế TNDN:

Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNDN x % Thuế suất thuế TNDN (thông thường là 20%) x (1- % miễn giảm thuế)

Nợ TK 821

Có TK 3334

Khi đi nộp thuế TNDN hạch toán: theo quy định thì 70% thuế TNDN của năm tài chính phải được nộp trước quý 4 năm tài chính đó, nếu không khoản chênh lệch sẽ bị tính chậm nộp; 30% còn lại nộp trước ngày 31/03 năm sau liền kề.

Nợ TK 3334

Có TK 111, 112

20. Kết chuyển cuối kỳ

a. Trường hợp DN lỗ:

Nợ TK 911

Có TK 632
Có TK 6421 (6422)
Có TK 635
Có TK 811

Nợ TK 511
Nợ TK 515
Nợ TK 711
Nợ TK 421

Có TK 911

b. Trường hợp doanh nghiệp lãi:

Nợ TK 911

Có TK 632
Có TK 6421 (6422)
Có TK 635
Có TK 811
Có TK 821
Có TK 421

Nợ TK 511
Nợ TK 515
Nợ TK 711

Có TK 911

21. Kết chuyển lãi, lỗ năm trước

Với trường hợp, năm hiện tại không phải năm đầu tiên, nghiệp vụ này làm luôn từ đầu năm tài chính, nếu:

a. Năm trước doanh nghiệp lỗ, kế toán hạch toán chuyển lỗ như sau:

Nợ TK 4212

Có TK 4211

b. Năm trước doanh nghiệp lãi, kế toán hạch toán chuyển lỗ như sau:

Nợ TK 4211

Có TK 4212

22. Trường hợp phân chia lợi nhuận sau thuế cuối năm

a. Phân chia lợi nhuận sau thuế cho các thành viên góp vốn:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388).

b. Khi trả tiền cổ tức cổ phiếu ưu đãi cho các cổ đông, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388)

Có các TK 111, 112. . . (Số tiền thực trả).

c. Trong năm, tạm trích quỹ dự phòng tài chính, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối

Có TK 418 – Các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu

Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534)

Cuối năm, kế toán tính và xác định số tiền các quỹ được trích thêm, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối

Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi

Có TK 418 – Các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu

d. Bổ sung nguồn vốn kinh doanh từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh, ghi:

Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối

Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.)
 

Bài viết này hữu ích chứ?

Bài viết liên quan

Để lại bình luận