1. Trang chủ
  2. Kế toán, thuế (2)
  3. Một số vấn đề pháp lý về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo pháp luật Việt Nam
  1. Trang chủ
  2. Một số vấn đề khác
  3. Một số vấn đề pháp lý về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo pháp luật Việt Nam

Một số vấn đề pháp lý về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo pháp luật Việt Nam

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Ngày đăng: 30/09/2024 – Ngày cập nhật: 30/09/2024

Nguồn: Dân chủ Pháp luật

Bài viết dưới đây phân tích thực trạng và chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Khái quát về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam

Thứ nhất, loại hình kinh doanh dịch vụ kế toán.

Hiện nay, doanh nghiệp hành nghề kế toán được thành lập dưới ba hình thức: (i) Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên; (ii) Công ty hợp danh; (iii) Doanh nghiệp tư nhân được quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Kế toán năm 2015 tương đồng với loại hình doanh nghiệp kiểm toán được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011. Ngoài ra, có thể kinh doanh dịch vụ kế toán dưới hình thức hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.

Theo khoản 4 Điều 59 Luật Kế toán năm 2015 và khoản 1, khoản 3 Điều 31 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán (Nghị định số 174/2016/NĐ-CP), doanh nghiệp dịch vụ kế toán nước ngoài được thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam dưới các hình thức: (i) Góp vốn với doanh nghiệp kế toán tại Việt Nam đang hoạt động để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam; (ii) Thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài; (iii) Cung cấp dịch vụ kế toán xuyên biên giới theo quy định của Chính phủ.

Trong đó, doanh nghiệp nước ngoài phải “liên danh” với doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của Việt Nam và phải lập thành “hợp đồng liên danh” về việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới. Hợp đồng này phải phân định rõ trách nhiệm của các bên trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới. Bản chất của “hợp đồng liên danh” này là hợp đồng hợp tác không hình thành pháp nhân (BCC) theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020 và điểm c khoản 4 Điều 59 Luật Kế toán năm 2015 và Điều 31 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP.

Doanh nghiệp dịch vụ kế toán nước ngoài chỉ được góp vốn với doanh nghiệp kế toán Việt Nam có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán dưới hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh, trong đó, doanh nghiệp kế toán nước ngoài là thành viên góp vốn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Nếu doanh nghiệp kế toán nước ngoài không góp vốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo các loại hình nêu trên thì thực hiện thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam dưới các hình thức là chi nhánh tương ứng với loại hình doanh nghiệp dịch vụ kế toán nước ngoài theo điểm b khoản 4 Điều 59 Luật Kế toán năm 2015 như: (i) Chi nhánh công ty TNHH hai thành viên trở lên; (ii) Chi nhánh công ty hợp danh; (iii) Chi nhánh doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Kinh doanh dịch vụ kế toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại dòng thứ tự số 18 Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 và căn cứ tại khoản 2 Điều 59 Luật Kế toán năm 2015 thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Kế toán năm 2015 và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Theo quy định tại Điều 60 Luật Kế toán năm 2015 thì điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho các loại hình doanh nghiệp bao gồm: (i) Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; (ii) Có ít nhất 02 thành viên góp vốn hoặc 02 thành viên hợp danh hoặc 02 kế toán viên phải là kế toán viên hành nghề tùy thuộc vào mô hình của mỗi doanh nghiệp; (iii) Người đại diện theo pháp luật đồng thời là giám đốc đối với công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là giám đốc phải là kế toán viên hành nghề.

Căn cứ Điều 65 Luật Kế toán năm 2015, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải đáp ứng điều kiện: (i) Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; (ii) Cá nhân, đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh là kế toán viên hành nghề.

Một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch kế toán tại Việt Nam

Luật Kế toán năm 2015 ra đời đã tạo thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán tại Việt Nam. Ban đầu, chỉ từ 18 doanh nghiệp với hơn 30 kế toán viên chuyên nghiệp năm 2008, đến năm 2020, thị trường đã có sự tham gia của hơn 160 doanh nghiệp và hơn 260 kế toán viên chuyên nghiệp[1] cho thấy, thị trường dịch vụ kế toán ngày càng lớn mạnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất

Nhà đầu tư lựa chọn loại hình doanh nghiệp có chế độ TNHH và không chọn những loại hình doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm vô hạn.

Theo danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề cuối năm 2022 (được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính) cho thấy, tổng số 151 doanh nghiệp kế toán (không bao gồm các công ty kiểm toán đăng ký dịch vụ kế toán), có 151 chủ thể kinh doanh dịch vụ kế toán với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên. Trong khi đó, chỉ có duy nhất 01 doanh nghiệp tư nhân nhưng nay không còn hoạt động và không có bất kỳ công ty hợp danh và hộ kinh doanh nào hoạt động dịch vụ kế toán.

Thực trạng trên cho thấy, các nhà đầu tư và kế toán viên hành nghề có xu hướng lựa chọn thành lập doanh nghiệp kế toán theo loại hình doanh nghiệp có chế độ TNHH để hạn chế rủi ro cho mình thay vì như định hướng là chế độ trách nhiệm vô hạn để giảm rủi ro cho khách hàng. Thực trạng này có thể gây ra một số hệ lụy cho thị trường cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và bên thứ ba vì công ty TNHH chỉ chịu trách nhiệm trên phần vốn góp.

Thứ hai

Dịch vụ kế toán không cho phép thành lập công ty TNHH một thành viên.

Luật Kế toán năm 2015 không cho phép thành lập doanh nghiệp kế toán theo loại hình công ty TNHH một thành viên do cá nhân và tổ chức làm chủ. Quy định này là hợp lý đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ bởi vì pháp luật hiện hành không cho phép tổ chức sở hữu trên 35% vốn điều lệ, đồng thời, bảo đảm được mục tiêu điều tiết thị trường dịch vụ kế toán bằng công cụ tỷ lệ vốn của tổ chức.

Tuy nhiên, xét trên góc độ pháp lý của công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty TNHH một thành viên thì không có điểm khác biệt trọng yếu, bởi lẽ, hai loại hình doanh nghiệp này đều là loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư (thành viên) góp vốn chịu TNHH trên phần vốn điều lệ đã góp. Do đó, nếu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoạt động theo loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu là hoàn toàn tương đồng về mặt pháp lý và về mặt TNHH đối với các khoản nợ của công ty cũng như nghĩa vụ đối với khách hàng.

Mặt khác, Luật Kế toán năm 2003 và Luật Kế toán năm 2015 đều cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán. Rõ ràng, doanh nghiệp tư nhân do 01 cá nhân làm chủ, hộ cá nhân kinh doanh do 01 cá nhân làm chủ và công ty TNHH một thành viên cũng do 01 cá nhân làm chủ thì cần có sự bình đẳng về mặt pháp lý khi kinh doanh dịch vụ kế toán.

Thứ ba 

Thiếu quy định về tỷ lệ vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kế toán.

Luật Kế toán năm 2015 không quy định chi tiết về công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kế toán. Cụ thể, Luật Kế toán năm 2015 chỉ quy định về công ty hợp danh mà không đề cập đến loại hình công ty hợp danh có thành viên góp vốn hay không. Như vậy, có thể hiểu, công ty dịch vụ kế toán hợp danh được có thành viên hợp danh góp vốn như quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Với cách quy định này, có thể có vấn đề phát sinh khi công ty hợp danh có thành viên góp vốn là tổ chức. Pháp luật hiện hành không quy định thành viên góp vốn là tổ chức có bị hạn chế về tỷ lệ vốn góp trên vốn điều lệ của công ty hợp danh hay không. Trong khi đó, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên kinh doanh dịch vụ kế toán, Luật Kế toán năm 2015 và Điều 26 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP có quy định chặt chẽ tỷ lệ vốn góp của tổ chức không vượt quá 35% vốn điều lệ.

Như vậy, quy định trên không áp dụng cho công ty hợp danh hay nói cách khác, nếu là thành viên góp vốn của công ty hợp danh sẽ không bị giới hạn tỷ lệ vốn góp. Điều này đồng nghĩa với việc, mục đích của nhà làm luật hạn chế các tổ chức nói chung và tổ chức nước ngoài kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam sẽ không đạt được nếu các nhà đầu tư là tổ chức đăng ký và thành lập công ty hợp danh có thành viên góp vốn là tổ chức. Đồng thời, sự thiếu sót này vô tình tạo ra sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán.

Thứ tư

Tỷ lệ góp vốn của kế toán viên hành nghề chưa phù hợp.

Tại khoản 1 Điều 60 Luật Kế toán năm 2015 và khoản 1 Điều 27 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định công ty TNHH hai thành viên trở lên phải có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề chiếm tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ của công ty. Quy định này nhằm hướng tới mục tiêu để gắn trách nhiệm của các kế toán viên hành nghề với doanh nghiệp kế toán vì đây là ngành nghề phụ thuộc nhiều vào đạo đức, chuyên môn của kế toán viên. Do đó, quy định của Luật Kế toán năm 2015 yêu cầu kế toán viên hành nghề là chủ doanh nghiệp chiếm tối thiểu trên 50% vốn điều lệ nhằm tạo ra sự cẩn trọng cần thiết cũng như nâng cao trách nhiệm về kinh tế và pháp lý của kế toán viên hành nghề. Bởi lẽ, khi họ là chủ doanh nghiệp thì họ sẽ có trách nhiệm cao hơn so với kế toán viên hành nghề chỉ là người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp kế toán được thành lập dưới hình thức công ty TNHH, chịu TNHH về các khoản nợ của công ty trên số vốn đã góp. Như vậy, rủi ro cho thị trường, rủi ro cho khách hàng và bên thứ ba khi các doanh nghiệp kế toán là các công ty TNHH hai thành viên trở lên với số vốn khiêm tốn, vì doanh nghiệp kế toán không yêu cầu vốn pháp định nên nhà đầu tư đăng ký với mức vốn khiêm tốn để giảm rủi ro cho mình. Khi vốn của doanh nghiệp không lớn sẽ dẫn đến những rủi ro cho khách hàng, đồng thời, cũng vì vốn không lớn nên các doanh nghiệp sẽ không có tiềm lực để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư cho quy trình, nguồn nhân lực, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của dịch vụ kế toán.

Thứ năm

Tỷ lệ góp vốn của tổ chức trong công ty TNHH hai thành viên trở lên chưa thực sự phù hợp.

Khoản 1 Điều 60 Luật Kế toán năm 2015 và Điều 26 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định, công ty TNHH hai thành viên trở lên có thành viên góp vốn là tổ chức thì ngoài các điều kiện phải có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề chiếm tỷ trên 50% vốn điều lệ của công ty thì tỷ lệ góp vốn của các thành viên là tổ chức chỉ được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên. Quy định này xuất phát từ mục tiêu giảm tỷ lệ góp vốn của tổ chức để tăng tỷ lệ góp vốn của cá nhân là kế toán viên hành nghề, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự cẩn trọng của kế toán viên hành nghề.

Bên cạnh đó, quy định này cũng nhằm bảo hộ các doanh nghiệp kế toán Việt Nam trước sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp kế toán nước ngoài vào Việt Nam. Bởi lẽ, doanh nghiệp kế toán nước ngoài chỉ có thể góp vốn không quá 35% vốn điều lệ, phần còn lại ít nhất 65% phải do cá nhân góp vốn. Trong đó, kế toán viên hành nghề phải có tối thiểu trên 50% và phần còn lại có thể là cá nhân trong nước hoặc người nước ngoài là kế toán viên hoặc không là kế toán viên hành nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, người nước ngoài rất khó có thể trở thành kế toán viên của Việt Nam nên mô hình chung ít nhất 65% còn lại thường phải là trên 50% là bên Việt Nam nhằm bảo vệ quyền biểu quyết cho kế toán viên Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính vì tổ chức chỉ được góp vốn không quá 35% vốn điều lệ như quy định hiện hành đã làm cho các nhà đầu tư có tiềm lực không đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó, dẫn đến nhiều hệ lụy trên thực tế.

Thứ sáu

Thủ tục cấp phép kinh doanh cho chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam còn rườm rà, phức tạp.

Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài là thương nhân nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Về thủ tục thành lập, phải thực hiện đăng ký tại Bộ Công Thương. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Bộ Công Thương phải xin ý kiến Bộ Tài chính về việc cấp phép. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Tài chính phải có văn bản trả lời chấp thuận hay không chấp thuận việc cấp phép. Sau khi được Bộ Công Thương cấp phép chi nhánh doanh nghiệp kế toán tại Việt Nam thì tiếp tục thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tại Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, mặc dù quy định của pháp luật quy định rất rõ ràng về thời hạn nhưng thực tế thời gian này lâu hơn rất nhiều bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc nộp hồ sơ của doanh nghiệp kế toán nước ngoài bằng bưu điện hoặc trực tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, dẫn đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức văn bản chưa thể áp dụng thực hiện trao đổi thông tin theo hình thức điện tử.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất

Pháp luật về kế toán nên có quy định cho phép công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ được kinh doanh dịch vụ kế toán tương tự doanh nghiệp tư nhân và hộ cá nhân kinh doanh để bảo đảm công bằng và phù hợp với thực tiễn. Khi đó, công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ phải có tối thiểu 02 kế toán viên hành nghề và chủ sở hữu kiêm giám đốc công ty TNHH một thành viên phải là kế toán viên hành nghề để tương đồng với doanh nghiệp tư nhân và hộ cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán.

Nếu thực hiện chính sách cho phép doanh nghiệp kế toán dưới loại hình công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sẽ tạo thuận tiện cho nhiều cá nhân khởi nghiệp kinh doanh dưới loại hình này. Vì không cần phải có hai chứng chỉ hành nghề và không cần phải có thêm thành viên là kế toán viên hành nghề như quy định hiện nay nên sẽ gia tăng được số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán tại Việt Nam trong giai đoạn tới, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như phù hợp với mô hình doanh nghiệp nhỏ hoạt động dịch vụ kế toán, phục vụ cho nhu cầu 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng gần 01 triệu doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, chính sách này được thực hiện sẽ giảm được tình trạng cho thuê chứng chỉ hành nghề kế toán[2] và hạn chế được các hệ lụy, rủi ro phát sinh từ các tranh chấp giữa các kế toán viên hành nghề và người cho thuê chứng chỉ hành nghề kế toán với tư cách là thành viên góp vốn giả tạo như các tranh chấp về quyền sở hữu, quyền quản lý và điều hành công ty… Ngoài ra, chính sách này có thể sẽ làm giảm bớt các hệ lụy cho nghề dịch vụ kế toán, nâng cao chất lượng hành nghề cũng như làm giảm các chi phí tuân thủ và đặc biệt là hạn chế rào cản ra nhập thị trường.

Thứ hai

Bổ sung theo hướng cho phép thành lập công ty hợp danh có thành viên góp vốn là tổ chức và cá nhân để phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và phù hợp với thực tế. Đồng thời, nên quy định về tỷ lệ mức vốn góp nói chung của tổ chức không vượt quá 50% vốn điều lệ thay vì quy định tỷ lệ mức vốn của tổ chức là công ty TNHH hai thành viên tại Điều 26 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP nhằm khuyến khích nguồn đầu tư tài chính, tạo điều kiện cho dịch vụ kế toán được tiếp cận và được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn.

Thứ ba

Bãi bỏ quy định kế toán viên hành nghề phải góp vốn tối thiểu trên 50% vốn điều lệ đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và cân nhắc xây dựng các quy định về bảo hiểm nghề nghiệp cũng như quản lý chất lượng hành nghề thông qua bắt buộc cập nhật kiến thức hành nghề hàng năm.

Thứ tư

Bổ sung điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán về bảo hiểm nghề nghiệp hoặc vốn pháp định và các quy định về quản lý chất lượng hành nghề thông qua bắt buộc cập nhật kiến thức hàng năm.

Thứ năm

Đối với chi nhánh doanh nghiệp kế toán nước ngoài tại Việt Nam, cần quy định cụ thể các trường hợp phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính để Bộ Công Thương có cơ sở cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh doanh nghiệp kế toán tại Việt Nam được thuận tiện, nhanh gọn, đồng thời, gộp quy định cấp phép chi nhánh với quy định cấp phép hành nghề vào thủ tục một cửa tại Bộ Công Thương trên cơ sở nộp hồ sơ và giải quyết hồ sơ bằng phương thức điện tử.

Bài viết đã khái quát về thị trường dịch vụ kế toán ở Việt Nam hiện nay và một số nội dung cần lưu ý trong động dịch vụ kế toán. Các doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện dịch vụ kế toán làm đúng theo quy định.

Bài viết này hữu ích chứ?

Bài viết liên quan