Ngày đăng: 04/11/2021 – Ngày cập nhật: 04/11/2021
Tác giả: KhánhPQ, Cty FAST, ngày 3-11-2021.
1. Lưu ý quan trọng
Những câu trả lời cho các câu hỏi ở đây hoàn toàn dựa trên hiểu biết hạn chế của cá nhân người trả lời trong lĩnh vực chuyển đổi số – mới và thay đổi nhanh. Vì vậy không tránh khỏi hiểu chưa đến, chưa đúng. Sẽ có nhiều ý kiến.
Mong nhận được các đóng góp, góp ý để bổ sung, hoàn thiện cho chủ đề “hot” này.
2. Chuyển đổi số là gì?
Xem xét 2 định nghĩa sau:
-
- Theo wiki: Chuyển đổi số là việc thay đổi sản phẩm, quy trình và tổ chức thông qua việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số.
- Theo Gartner: Chuyển đổi số có thể đề cập đến bất cứ điều gì từ hiện đại hóa CNTT (ví dụ, điện toán đám mây) đến tối ưu hóa nhờ kỹ thuật số, đến việc tạo ra các mô hình kinh doanh số mới (nhờ kỹ thuật số).
Theo Medium thì cần phân biệt 2 khái niệm: Tối ưu số và mô hình kinh doanh số:
(lưu ý: bài này có thể phải sử dụng trình duyệt cốc cốc để xem)
Tối ưu số là tối ưu quy trình hiện tại, nhưng không thay đổi nó, nhằm tăng năng suất lao động, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, làm cho trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Còn chuyển đổi kinh doanh số là tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới khác với sp, mô hình kinh doanh hiện tại nhờ công nghệ kỹ thuật số.
3. Số hóa thông tin là gì?
Digitization of information.
Là chuyển đổi thông tin từ dạng analog sang số, ví dụ, chứng từ kế toán trên giấy nhập vào phần mềm.
Ngày nay, thông tin ít khi phải chuyển từ analog, giấy sang số, mà thường được số hóa ngay từ khi phát sinh tại từng điểm làm việc/phát sinh:
-
- Giao dịch như thu, chi, nhập xuất… được thực hiện ngay trên phần mềm, còn chứng từ in giấy ra chỉ khi có yêu cầu để ký. Có thể không cần phải in nếu sử dụng chữ ký số.
- Chấm công bằng vân tay, nhận dạng khuôn mặt… cũng được số hóa ngay khi phát sinh…
- Thông tin tiêm vắc xin được nhập luôn trên máy tính và chuyển về cơ sở dữ liệu trung tâm, chứ không viết trên giấy rồi sau đó nhập lại.
- …
Thông tin được số hóa có thể lưu trữ riêng rồi chuyển cho người/máy móc thiết bị khác hoặc được lưu trữ chung để người/thiết bị khác truy cập và khai thác, xử lý.
Số hóa thông tin là bước đầu tiên trong công nghệ số. Những bước tiếp trong công nghệ số sẽ sử dụng thông tin đã được số hóa.
4. Số hóa quy trình là gì?
Digitalization of internal processes.
Là quá trình sử dụng thông tin số (đã được số hóa) để làm cho các cách thức hoạt động (các quy trình kinh doanh) hiện có trở nên đơn giản và hiệu quả hơn, nhưng không thay đổi quy trình, cách thức hoạt động.
Các thông tin ở từng điểm làm việc/phát sinh được số hóa sẽ luân chuyển theo quy trình làm việc tới các điểm tiếp theo trong quy trình. Tại mỗi điểm thông tin sẽ được bổ sung, thay đổi, xử lý (ví dụ – duyệt, tính toán) cho đến khi công việc được hoàn thành.
Thông tin được số hóa có thể chỉ lưu trữ rồi sau đó được khai thác để tra cứu hoặc lên các báo cáo tùy theo nhu cầu.
Việc luân chuyển thông tin có thể chỉ là gửi email, gửi file, share file… hoặc thực hiện trên các phần mềm ứng dụng như phần mềm kế toán, bán hàng, ERP…
Trường hợp làm việc trên các phần mềm ứng dụng, ví dụ ERP, thì quy trình làm việc được lập trình (số hóa) vào phần mềm và người sử dụng làm việc.
Lưu ý việc số hóa quy trình làm việc giúp làm việc đơn giản hơn, nhanh hơn, ít sai sót hơn… nâng cao năng suất lao động nhưng không thay đổi quy trình làm việc, cách thức hoạt động.
5. Hãy đưa ra một số ví dụ về ứng dụng CNTT, công nghệ số trong DN?
Thực tế thì kỹ thuật số, công nghệ số đã thâm nhập vào hoạt động của doanh nghiệp đã nhiều nhiều năm nay, từ khi có ứng dụng CNTT trong thế kỷ 20. Khi đó đã bắt đầu thực hiện số hóa thông tin và tối ưu hóa quy trình làm việc.
Nhưng chỉ hiện nay khi công nghệ số, với sự phát triển mạnh mẽ của mình, mới thâm nhập toàn diện, mọi mặt trong hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra sự thay đổi từ số lượng sang chất lượng, từ tối ưu hóa cái hiện tại chuyển sang hình thức, mô hình kinh doanh mới.
Dưới đây là một số ví dụ về kỹ thuật, công nghệ số thâm nhập vào mọi hoạt động của doanh nghiệp: sản xuất, kinh doanh, quản lý nội bộ.
1. Kinh doanh
Phần mềm quản trị chuỗi cung ứng: mua – bán – kho – giao nhận.
Phần mềm CRM
Các ứng dụng tiếp thị, bán hàng: Website, Youtube, Chat (text, video), demo, hội họp online, Google, Facebook, Zalo, Tik tok, thương mại điện tử, Sendo, Tiki…
…
2. Sản xuất
Các phần mềm, thiết bị đặc thù cho từng lĩnh vực sản xuất, thiết kế, xây dựng, vận chuyển: robot, CNC, CAD-CAM, GPS…
MRP-II, ERP, quản lý kho – mua hàng.
…
3. Quản lý nội bộ
Phần mềm kế toán.
Phần mềm nhân sự, chấm công (nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt), tính lương.
Phần mềm quản lý công việc dự án, quản lý tri thức, diễn đàn nội bộ…
Hội họp từ xa, camera giám sát…
Các phần mềm văn phòng: Email, văn bản, bảng số (Excel), trình diễn (ppt)…
Các ứng dụng nêu trên ở mức cao sẽ kết nối với nhau thành các hệ sinh thái riêng (Ecosystem) trong từng mảng và kết nối với nhau thành một hệ sinh thái của toàn doanh nghiệp.
Về mặt lưu trữ dữ liệu có thể trên hệ thống mạng của công ty, trên các máy chủ đặt tại các trung tâm dữ liệu hoặc trên đám mây cho thuê.
Về mặt kết nối có thể qua máy tính bàn, xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và các thiết bị giao tiếp khác. Có thể nhập qua bàn phím, giọng nói, các thiết bị nhận dạng (vân tay, camera, cảm biến, cân điện tử…). Các hệ thống có thể được lập trình sẵn tự trao đổi dữ liệu cho nhau.
6. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số hiện nay có gì khác với ứng dụng CNTT, tin học hóa trước kia?
Về thiết bị: CNTT, tin học trước kia được hiểu là các máy tính để bàn, máy tính xách tay, còn công nghệ, kỹ thuật số – ngoài máy tính như trước kia thì còn vô số các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh… các thiết bị đầu cuối như máy chấm công, camera, các thiết bị cảm biến, máy đọc thẻ, máy quét mã vạch, QR code…
Về công nghệ: trước kia là máy tính đơn lẻ hoặc kết nối qua mạng LAN. Còn ngày nay là internet, cloud…
Các ứng dụng phần mềm ngày nay phải làm việc trên các thiết bị di động và phải kết nối với các thiết bị đầu cuối để nhận số liệu.
Như vậy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số ngày nay khác với ứng dụng CNTT, tin học hóa trước kia đó là: mobile, online, cloud, IoT, gps, big data, AI.
7. Hãy đưa ra một số ví dụ về sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới của CĐS?
Dưới đây là 1 số ví dụ:
-
- Đặt vé máy bay online
- Giao dịch ngân hàng online, ebanking
- Thanh toán điện tử: Momo, VnPay, ZaloPay, Moca, Napas, ViViet…
- Đặt hàng, mua hàng online: Tiki, sendo, shopee…
- Đào tạo online: Topica, Funix, Edumall
- Thuê phòng online: Airbnb…
- Vận tải, giao nhận: Logivan, Now, Grab, Uber…
- Thuê phim Netflix
- Kinh doanh quảng cáo, thông tin người sử dụng: Google, Facebook…
- Tìm kiếm: Cốc Cốc, Google, Bing…
- Điện toán đám mây: Amazon, Azure, Google Drive, One Drive…
- Dịch vụ chuyên ngành: batdongsan.com.vn, VnTrip.vn, LuxStay, Med247, HelloBacSi…
- Nhận dạng: GotIt, Kompa, Elsa, Cinamon…
- Thuê sử dụng phần mềm Fast Accounting Online, Fast e-Invoice, Fast e-Contract… (cloud-based).
8. Những đặc trưng khác biệt về công nghệ của chuyển đổi số là gì?
Theo Siebel T.M. Chuyển đổi số. Sống sót & Bứt phá trong kỷ nguyên sụp đổ hàng loạt. thì chuyển đổi số phải gắn liền với 4 nền tảng công nghệ:
-
- Điện toán đám mây – Cloud computing.
- Dữ liệu lớn – Big data.
- Internet vạn vật – IoT (Internet of Things) (GPS?).
- Trí tuệ nhân tạo – AI (Artificial Intelligence).
9. Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, tin học hóa có gì khác nhau?
Ứng dụng CNTT, tin học hóa có từ thế kỷ 20 với sự xuất hiện của máy tính. Các ứng dụng ban đầu thuộc tính toán khoa học, các phần mềm quản lý như tính lương, kế toán. Sau đó mở rộng dần sang các ứng dụng văn phòng – soạn thảo văn bản, bảng tính…
Sang thế kỷ 21 thì kỹ thuật số, công nghệ số có mặt ở khắp nơi như máy chấm công, camera quan sát, các ứng dụng trên điện thoại thông minh… chứ không chỉ những gì gắn với máy tính.
Như vậy từ ứng dụng CNTT (được ngầm hiểu hiểu là gắn với máy tính) được mở rộng ra là ứng dụng công nghệ số (bao gồm cả CNTT).
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT, kỹ thuật số có thể chỉ là ở mức tối ưu hóa công việc hiện tại, giúp cho việc thực hiện được nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn, trải nghiệm khách hàng tốt hơn… chứ không phải là tạo ra sản phẩm mới, kinh doanh theo mô hình mới – kinh tế số.
Theo một số chuyên gia thì chuyển đổi số phải là: sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới gắn với 4 nền tảng cloud, big data, IoT và AI.
Ví dụ về sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới của chuyển đổi số nêu trong câu hỏi ở trên.
10. Hãy đưa ra một số ví dụ về tác động của mô hình kinh doanh số lên mô hình kinh doanh cũ?
Dưới đây là một số ví dụ về tác động của mô hình kinh doanh số làm thay đổi “cuộc chơi” trong kinh doanh.
-
- Báo chí: Báo mạng với Báo giấy.
- Quảng cáo số, online với Quảng cáo trên TV, báo… (đặc biệt đối với các DN thuê quảng cáo là các DNVVN).
- Vận tải: Grab với Taxi, xe ôm truyền thống.
- Lưu trú: Homestay (Airbnb) với khách sạn truyền thống
- Bán lẻ: Đặt mua online, giao hàng tận nơi với Chợ, siêu thị
- Đào tạo: Đào tạo online, trực tuyến với đào tạo trực tiếp.
- Cho thuê phim: Thuê phim trực tuyến (Netflix) với thuê đĩa ngoài cửa hàng.
- Nhạc: Nghe nhạc trực tuyến (Apple Music) với mua đĩa.
- Phần mềm: Thuê sử dụng trên đám máy với mua và cài đặt trên máy.
- …
11. Nếu DN chưa chuyển đổi được sang mô hình kinh doanh số thì cần phải làm gì?
Khi chưa tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số thì có thể thực hiện tối ưu hóa các hoạt động hiện tại nhờ ứng dụng mọi mặt, sâu rộng các công nghệ số trong kinh doanh, sản xuất, quản trị nội bộ để nâng cao năng suất lao động, nâng cao trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng – khách hàng của doanh nghiệp, khách hàng nội bộ – nhân viên, các đối tác – các nhà cung cấp, ngân hàng, cơ quan chức năng (thuế…).
12. Có thể thuê tư vấn để thực hiện chuyển đổi số?
Theo quan điểm chuyển đổi số là tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới (dựa vào ứng dụng công nghệ kỹ thuật số) thì có lẽ không thuê tư vấn ngoài được.
Đã là mới – sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới thì là của cá nhân người lập doanh nghiệp (start-up) nghĩ ra. Thường thì chính những người đó (nhóm, team) cũng xây dựng luôn hệ thống công nghệ số để vận hành. Thường những hệ thống này là chưa có.
Cũng có thể sao chép, bắt chước, copy những ý tưởng đã có với những thay đổi nhất định và xây dựng hệ thống tương tự để cạnh tranh.
Lưu ý là những mô hình kinh doanh số thường ít có giới hạn về địa lý, thường mang tính toàn quốc, global nên khó khăn trong việc sao chép để áp dụng cho khu vực riêng.
Các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số vào mô hình kinh doanh hiện tại chỉ là tối ưu hóa cái hiện tại, chứ không tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới. Điều này thì hoàn toàn và rất nên sử dụng tư vấn bên ngoài.
13. Có thể tham khảo, tìm hiểu về chuyển đổi số ở những tài liệu nào?
Dưới đây là một số tài liệu có thể tham khảo về chuyển đổi số.
-
- Wiki: Digital Transformation
- Gartner: Digital Transformation
- Medium: Digital Transformation vs Digital Optimization
- Salesforce. What is Digital Transformation
- Siebel T.M. Chuyển đổi số. Sống sót & Bứt phá trong kỷ nguyên sụp đổ hàng loạt
- Bộ KH&ĐT. Hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
- Imda.gov.sg. SMEs Go Digital.