Hạch toán cho thuê mượn tài sản

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Ngày đăng: 14/02/2022 – Ngày cập nhật: 14/02/2022

Bùi Thúy Hà, facebook

1. Thuê hoạt động là gì?

Theo Chuẩn mực kế toán số 06 “Thuê hoạt động: Là thuê tài sản không phải là thuê tài chính”. Thuê tài chính là thuê tài sản mà Bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho Bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.

Theo đó, thuê hoạt động được căn cứ nội dung của hợp đồng thuê tài sản không có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản. Nói cách khác, thuê hoạt động thì Bên đi thuê sẽ trả lại tài sản cho Bên cho thuê khi hết thời hạn thuê.

Như vậy, đối với thuê hoạt động:

  • Thuê hoạt động thì tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của Bên cho thuê. Khi đem tài sản cho thuê hoạt động, Bên cho thuê không giảm tài sản mà vẫn trích khấu hao bình thường. Đồng thời, Bên cho thuê ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ cho thuê hoạt động theo từng thời hạn cho thuê bằng phương pháp đường thẳng trong suốt thời hạn cho thuê, không phụ thuộc vào phương thức thanh toán.
  • Bên đi thuê hoạt động không được ghi tăng tài sản, không phản ánh giá trị tài sản đi thuê trên Bảng cân đối kế toán (Không có quyền sở hữu) mà chỉ mở sổ (File) bên ngoài để theo dõi. Đồng thời, Bên đi thuê phản ánh chi phí tiền thuê hoạt động vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo phương pháp đường thẳng cho suốt thời hạn thuê tài sản, không phụ thuộc vào phương thức thanh toán tiền thuê.

Mượn tài sản thực ra là thuê hoạt động, khi Bên đi thuê không phải trả tiền thuê tài sản (Giá thuê = 0).

Doanh nghiệp (DN) mượn tài sản chỉ hạch toán các khoản chi phí phát sinh khác (Vận chuyển, lắp đặt,…); Về hạch toán kế toán thì mượn – thuê tài sản gần như giống nhau: Đó là thuê hoạt động.”

2. Hạch toán Bên đi thuê hoạt động

Chi phí trước khi sử dụng tài sản thuê:

Các chi phí phát sinh trực tiếp trước khi sử dụng tài sản (Vận chuyển, lắp đặt, thuế, phí,…) mà thỏa thuận Bên đi thuê, mượn tài sản chịu, ghi:

Nợ TK 641, 642, 627, 242,…
      Có TK 111, 112, 331,…

Trường hợp Bên đi thuê trả trước tiền thuê cho nhiều kỳ:

Khi trả tiền, ghi:

Nợ TK 242: Chi phí trả trước
Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
      Có các TK 111, 112

Định kỳ phân bổ tiền thuê tài sản cố định vào chi phí trong kỳ, ghi:

Nợ TK 641, 627, 642,…
      Có TK 242

Trường hợp bên đi thuê trả tiền thuê định kỳ:

Khi trả tiền, phản ánh số tiền thuê vào chi phí kỳ kế toán, ghi:

Nợ TK 641, 642, 627
Nợ TK 133
      Có các TK 111, 112,…

3. Hạch toán Bên cho thuê hoạt động

Chi phí phát sinh trực tiếp ban đầu:

Khi phát sinh các chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến cho thuê hoạt động (Vận chuyển, tháo dỡ, lắp đặt,…) mà hợp đồng quy định Bên cho thuê chịu, ghi:

Nợ TK 627, 641, 242 …
      Có các TK 111, 112, 331,…

Định kỳ, ghi nhận chi phí khấu hao tài sản cố định cho thuê hoạt động vào chi phí trong kỳ theo đúng quy định, ghi:

Nợ TK 641, 642,…
      Có TK 214

Trường hợp thu tiền thuê hoạt động theo định kỳ:

Định kỳ, căn cứ theo hợp đồng xuất hóa đơn thanh toán tiền thuê tài sản, ghi:

Nợ TK 131: Phải thu của khách hàng
      Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
      Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp.

Khi xác nhận đã nhận được tiền từ Bên thuê tài sản, ghi:

Nợ các TK 111, 112,…
      Có TK 131: Phải thu của khách hàng

Trường hợp thu trước tiền thuê hoạt động nhiều kỳ:

Khi nhận tiền của Bên đi thuê trả trước về hoạt động cho thuê tài sản cho nhiều kỳ, ghi:

Nợ TK 111, 112,… (Tổng số tiền nhận trước)
      Có TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện (Chưa có thuế GTGT)
      Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp.

Định kỳ kết chuyển doanh thu của kỳ kế toán tương ứng, ghi:

Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện
      Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Nếu phải trả lại tiền cho khách hàng vì hợp đồng cho thuê tài sản không được thực hiện tiếp hoặc thời gian thực hiện ngắn hơn thời gian đã thu tiền trước (Nếu có), ghi:

Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện (Chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp (Nếu có)
      Có các TK 111, 112.
 

Bài viết này hữu ích chứ?

Bài viết liên quan

Để lại bình luận