Ngày đăng: 26/08/2022 – Ngày cập nhật: 26/08/2022
Nguồn: www.matellio.com
Thông thường, các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số sẽ tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hàng ngày. Hầu hết trong số đó sẽ đầu tư vào việc số hóa hệ thống Quản lý chuỗi cung ứng hoặc SCM (Supply chain management), hoạch định nguồn lực doanh nghiệp hoặc quản trị doanh nghiệp ERP và quản lý quan hệ khách hàng CRM.
Giờ đây, khi internet trở nên phổ biến hơn và việc phân tích dữ liệu lớn thống trị hầu hết hoặc có thể nói gần như là toàn bộ các quyết định kinh doanh quan trọng, các công ty sẽ yêu cầu nhiều trình độ và nguồn lực hơn để hoàn thành quá trình chuyển đổi số. Hiện tại, doanh nghiệp sẽ cần một đội ngũ nhân viên cho quá trình phát triển liên tục nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Với sự phát triển đồng thời ở tất cả các lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp cũng cần các giải pháp có khả năng mở rộng, đáng tin cậy và an toàn. Như vậy, dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) đã trở thành nền tảng số hóa cho doanh nghiệp.
Không có gì lạ, rất nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng trong thị trường điện toán đám mây. Gartner, Inc. dự báo rằng tổng phân khúc dịch vụ Public Cloud sẽ tăng từ 270 tỷ đô la vào năm 2020 lên 332,3 tỷ đô la vào năm 2021, điều này thực tế đã xảy ra. Một cuộc khảo sát gần đây hơn cho biết rằng vào năm 2022 chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ đám mây đạt 482 tỷ đô la! Như vậy, rõ ràng là nếu bạn muốn làm cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp không bị gián đoạn, thì đầu tư vào các dịch vụ đám mây là một bước rất cần thiết.
Làm thế nào doanh nghiệp chuyển đổi số với điện toán đám mây hiệu quả hơn?
Dựa vào số liệu thống kê hiện tại và những lợi ích cơ bản, có thể thấy điện toán đám mây là yếu tố không thể thiếu đối với quá trình số hóa hiện đại doanh nghiệp. Trong phần này của bài viết, chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu các lợi ích mà các dịch vụ điện toán đám mây mang lại giúp chuyển đổi số thực sự đạt hiệu quả.
Khả năng tiếp cận
Hai yếu tố đã dẫn đến nhu cầu ngày càng lớn về việc tiếp cận giải pháp kỹ thuật số của doanh nghiệp: Sự phát triển không bị cản trở của các doanh nghiệp toàn cầu và nhu cầu truy cập từ xa hơn vào các hệ thống và tài nguyên của công ty. Giờ đây, nhiều công ty đang đầu tư vào các giải pháp điện toán đám mây như Microsoft 365, Salesforce, AWS, Google Workspace… Các giải pháp đám mây giúp tăng hiệu quả, năng suất và sự hợp tác nhờ vào việc tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh doanh.
Tích hợp dễ dàng
Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi các khối cấu trúc cồng kềnh thành “microservices” thì tích hợp liền mạch sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất của hoạt động số hóa. Điều quan trọng là tất cả các ứng dụng liên quan trong một doanh nghiệp có thể tích hợp được với nhau. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong một môi trường có tính kết nối cao, dễ dàng tích hợp thông qua cloud. Với sức mạnh lưu trữ và khả năng xử lý không giới hạn, cloud không chỉ cho phép các doanh nghiệp kết nối nhiều API và chương trình với nhau theo yêu cầu, mà còn có thể kết nối một cách liền mạch nhờ vào khả năng truy cập dễ dàng của đám mây.
Bảo mật nâng cao
Với việc các dữ liệu phục vụ việc cung cấp thông tin hữu ích, các tổ chức hiện đang lưu trữ rất nhiều dữ liệu. Lượng dữ liệu khổng lồ sẽ đi kèm trách nhiệm bảo mật dữ liệu. Gần đây, luật bảo mật dữ liệu ra đời làm cho bảo mật càng trở nên quan trọng hơn. Vì vậy, các mô hình bảo mật cao của công nghệ đám mây có thể đóng một vai trò quan trọng. Điều đáng chú ý là các máy chủ cloud được đặt trong các kho dữ liệu với quyền truy cập hạn chế và không có “central authority” để hack. Hơn nữa, tất cả các tệp trên đám mây đều được lưu trữ dưới dạng mã hóa khiến cho những tội phạm mạng am hiểu công nghệ thậm chí còn khó đọc dữ liệu. Với cấu hình có khả năng bảo mật mạnh mẽ như vậy, đám mây chắc chắn cung cấp một hình thức bảo mật đáng tin cậy hơn so với các hình thức bảo mật truyền thống.
Khả năng co giãn
Cloud có khả năng “co giãn”, có nghĩa là hệ thống có thể thay đổi quy mô xử lý và lưu trữ dữ liệu tùy theo nhu cầu kinh doanh. Cloud cung cấp khả năng lưu trữ và xử lý không giới hạn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các yếu tố này cần có chi phí kèm theo. Trên thực tế, nếu bạn đầu tư vào đám mây mà không theo dõi hoạt động của nó, có thể chi phí sẽ vượt quá khả năng của bạn. Đồng thời, khi bạn giám sát việc sử dụng đám mây với các nguồn tài nguyên có hiệu quả cao, bạn có thể nhanh chóng nhận thấy chi phí của mình đang giảm xuống. Tính “co giãn” của đám mây cho phép bạn mở rộng các quy trình quản lý khi có nhu cầu. Ví dụ: Nếu bạn đang kinh doanh bán lẻ với các sản phẩm theo mùa, bạn có thể mở rộng quy mô tài nguyên đám mây để phù hợp với nhu cầu và sau khi hết mùa, bạn có thể quay lại như ban đầu. Việc này giúp tận dụng tối đa cơ hội và không lãng phí tài nguyên.
Hiệu quả về chi phí
Như đã đề cập ở trên, tính co giãn của đám mây cho phép bạn tiết kiệm tài nguyên và tận dụng tối đa thời gian sinh lợi. Nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất để đám mây trở thành một giải pháp tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số. Để giúp cho khách hàng có trải nghiệm lý tưởng và tạo năng suất cao nhất trong đội nhóm, các công ty thường làm việc với một số công nghệ và ứng dụng. Điều này khi được thực hiện trong môi trường tách biệt có thể nhanh chóng làm tăng chi phí CNTT cho bất kỳ công ty nào.
Tuy nhiên, với môi trường đám mây tích hợp và tự động hóa, các doanh nghiệp có thể dễ dàng đẩy nhanh thời gian tiếp thị ứng dụng của họ. Dự đoán của Gartner về chi tiêu CNTT trên toàn thế giới dự kiến là 4,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2022, tăng gần 5,5% so với năm 2021. Mô hình Pay-as-you-Go của dịch vụ điện toán đám mây với các ứng dụng mới có thể dễ dàng tích hợp với hệ sinh thái hoạt động hiện có mà không bị gián đoạn, mang đến khả năng chuyển đổi chưa từng có trước đây. Điều này giúp các doanh nghiệp hạn chế các chi phí liên quan đến phát triển và mở rộng quy mô. Giờ đây, có thể dễ dàng mở rộng hoạt động doanh nghiệp mà không cần tăng quá nhiều chi phí cho CNTT. Trung bình, khi chuyển đổi sang sử dụng đám mây sẽ tiết kiệm khoảng 15% trên tổng chi phí CNTT. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu được nhiều lợi ích nhất từ đám mây bằng cách chi ít hơn 36% chi phí dành cho CNTT.
Khả năng tự động hóa
Điện toán đám mây mang đến các cơ hội giúp triển khai số hóa. Trước đây, khi tất cả các máy chủ phải được đặt tại 1 chỗ, việc sao lưu định kì, tích hợp hệ thống và lập các phiên bản luồng công việc là rất khó khăn. Bây giờ, nhờ vào tính chất “co giãn” và khả năng truy cập từ mọi nơi của các máy chủ, việc xây dựng quy trình công việc chủ động và nâng cấp theo yêu cầu trở nên dễ dàng hơn.
Như vậy, so với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi để trở nên “số hóa” hơn thì chính điện toán đám mây lại giúp các doanh nghiệp bắt đầu với cách tiếp cận “digital-first” tự động hóa dễ dàng hơn. Một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đáng tin cậy có thể trợ giúp các doanh nghiệp thực hiện số hóa. Với kinh nghiệm về chuyển đổi sang đám mây và tự động hóa quy trình làm việc dựa trên đám mây, các nhà cung cấp có thể thiết kế lại toàn bộ mô hình kinh doanh để thích ứng hơn với sự gián đoạn kỹ thuật số, theo định hướng dữ liệu (data-oriented).
Chiến lược chuyển đổi điện toán đám mây
Khi thực hiện chuyển đổi một doanh nghiệp theo định hướng kỹ thuật số mà không có kế hoạch phù hợp có thể dẫn đến tốn kém chi phí, sai quy trình và nhiều vấn đề. Mặc dù điện toán đám mây giúp giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan đến số hóa nhưng chỉ áp dụng một mô hình mới sẽ không giải quyết được mọi thứ. Bắt buộc các doanh nghiệp cần có chiến lược nếu mong muốn việc chuyển đổi mang lại ROI đáng kể.
Bây giờ, nếu bạn đang tìm cách xây dựng chiến lược cho chuyển đổi kỹ thuật số dựa trên điện toán đám mây, bạn có thể chia toàn bộ quy trình thành bốn giai đoạn: Phân tích yêu cầu, chuẩn hóa dữ liệu, chuyển đổi quy trình và triển khai hoàn chỉnh.
Phân tích yêu cầu
Giai đoạn đầu tiên của quy trình sẽ bao gồm việc đánh giá công nghệ và quy trình làm việc hiện tại, các vấn đề liên quan và kết quả sau khi chuyển đổi. Chìa khóa ở đây là theo dõi mục tiêu và kết nối được với mục tiêu chung của doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải hợp tác chặt chẽ với đối tác CNTT để đảm bảo rằng về lâu dài việc chuyển đổi sẽ giúp đạt được các mục tiêu của công ty và không trở nên phản tác dụng. Sau đó, cần xác định công nghệ kế thừa để xem công nghệ nào trong số chúng có thể được mang theo để tích hợp trong tương lai và công nghệ nào cần được thay thế hoàn toàn.
Chuẩn hóa dữ liệu
Khi đã xây dựng xong mục tiêu, đã đến lúc cần tiến hành phân tích dữ liệu của công ty. Một số doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số đã có một phần dữ liệu được lưu trữ trên đám mây, hầu hết dữ liệu đều được lưu trữ trên nhiều máy chủ khác nhau gọi là “data siloes”. Vì vậy, bước đầu tiên trong giai đoạn này là tập hợp tất cả dữ liệu vào một kho lưu trữ trung tâm. Sau khi hoàn tất, bạn có thể dễ dàng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của mình và tổ chức lưu trữ dữ liệu tốt hơn mang lại hiệu quả chi phí tối ưu.
Chuyển đổi quy trình
Tiếp theo là giai đoạn chuyển đổi quy trình, được cho là khó nhất trong tất cả các giai đoạn; không phải vì nó đòi hỏi công nghệ cao, mà là vì nó liên quan đến yếu tố con người. Các quy trình là kết quả của nhân sự công ty. Quy trình sẽ không được thiết lập đúng tiêu chuẩn khi không có nền tảng số hóa. Đây là lý do tại sao trong giai đoạn này, điều quan trọng là phải có sự tham gia của tất cả các bộ phận và thành viên công ty. Điều này đảm bảo dự án khi triển khai sẽ giảm thiểu tối đa sự gián đoạn từ các “nút thắt cổ chai” khi phải thay đổi quy trình làm việc.
Người dịch: TươiNT