Ngày đăng: 01/06/2022 – Ngày cập nhật: 01/06/2022
Nguồn: Kế toán Lê Ánh
1. Kế toán tổng hợp là gì?
Kế toán tổng hợp (General Accountant) là người chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp, phản ánh, ghi chép và thống kê một cách tổng quát các số liệu, dữ liệu, thông tin trên các tài khoản, sổ sách kế toán, báo cáo lãi lỗ và báo cáo tài chính theo các kỳ kế toán của doanh nghiệp.
Hay nói cách khác, công việc của kế toán tổng hợp là chịu trách nhiệm chung về số liệu, dữ liệu chi tiết đến tổng hợp trên các loại sổ sách kế toán, nên có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết chính xác các vấn đề tài chính, các quyết định kinh tế của doanh nghiệp.
2. Nhiệm vụ của kế toán tổng hợp
Các công việc của kế toán tổng hợp
Trong công việc của kế toán tổng hợp tại doanh nghiệp sẽ có những nhiệm vụ như:
- Thu thập, tổng hợp, xử lý các số liệu kế toán liên quan đến các hoạt động kinh tế phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp như: Phiếu chi, phiếu thu, hóa đơn, phiếu xuất, phiếu nhập,… Sau đó sẽ kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của các chứng từ liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế pháp sinh, tiến hành ghi chép tài khoản vào các sổ sách liên quan.
- Hạch toán chi phí, doanh thu, thuế GTGT, khấu hao, công nợ, tài sản cố định, tài sản vô hình,… và báo cáo thuế, lập quyết toán thuế.
- In sổ kế toán tổng hợp và chi tiết cho doanh nghiệp
- Đối chiếu số liệu giữa các đơn vị, dữ liệu tổng hợp và dữ liệu chi tiết
- Thống kê và tổng hợp sổ sách, chứng từ kế toán khi có yêu cầu
- Lưu trữ, sắp xếp, bảo quản các chứng từ, sổ sách theo đúng quy định pháp luật
- Kiểm tra các định khoản, hạch toán nghiệp vụ phát sinh, sự cân đối giữa các sổ sách và chứng từ
- Theo dõi và quản lý công nợ, giúp nhà quản lý nắm được tình hình lãi – lỗ của doanh nghiệp, tình hình chiếm dụng vốn từ khách hàng. Từ đó, đề xuất cho doanh nghiệp lập dự phòng hoặc xử lý nợ phải thu khó đòi của công ty.
- Cung cấp số liệu cho ban giám đốc hoặc các cơ quan chức năng khi có yêu cầu, giải trình số liệu cho cơ quan thuế, kiểm toán, thanh tra khi số liệu chưa được rõ ràng.
- Lên báo cáo tài chính theo quý, theo niên độ kế toán và các báo cáo tài chính chi tiết giải trình, thuyết trình.
- Hướng dẫn kế toán viên xử lý và định khoản các nghiệp vụ kế toán trong kỳ của doanh nghiệp.
3. Mục đích công việc của kế toán tổng hợp
Kế toán tổng hợp có vai trò rất quan trọng đối với mỗi loại hình công ty, doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều cần có một kế toán tổng hợp để giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính, các nghiệp vụ kinh tế phát sinh một cách chính xác và cẩn trọng nhất.
Các công việc của kế toán tổng hợp cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh đang diễn ra của doanh nghiệp cũng như theo dõi các diễn biến thị trường nhằm giúp quản lý, giám đốc có những quyết định kinh tế đưa doanh nghiệp đạt hiệu suất tốt hơn.
4. Mô tả công việc của kế toán tổng hợp
Công việc của kế toán tổng hợp
Để giúp nhà quản lý, giám đốc nắm rõ được tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, các công việc của kế toán tổng hợp cần phải làm như sau:
4.1. Công việc của kế toán tổng hợp hàng ngày
- Hướng dẫn nhân viên kế toán khác bằng cách điều phối các hoạt động trong bộ phận và giải đáp thắc mắc xoay quanh công việc.
- Thu thập, tổng hợp, xử lý, nhập thông tin, số liệu kế toán, các chứng từ kế toán thông qua các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như: Các hoạt động liên quan đến quá trình kinh doanh sản xuất của DN: Việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, CCDC, TSCĐ,… thực hiện thu tiền, chi tiền, khấu hao, công nợ,..
- Hạch toán các khoản doanh thu, chi phí, khấu hao, tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, thuế GTGT, các tài khoản khác,…
- Theo dõi và quản lý công nợ, khấu hao, thanh lý của doanh nghiệp.
- Theo dõi và tính toán, kết chuyển giá vốn hàng bán theo từng sản phẩm; giá thành xuất kho; tỷ lệ hao hụt nguyên vật liệu, CCDC đi kèm và chi phí sản xuất dở dang.
- Kiểm tra và giám sát việc luân chuyển hàng tồn kho (Nhập – Xuất – Tồn kho), thời gian tồn kho, giá nhập kho,… tại từng kho thông qua kế toán tổng hợp kho.
4.2. Công việc của kế toán tổng hợp hàng tháng
- Theo dõi, giám sát số liệu sản phẩm trên báo cáo kho định kỳ hàng tháng và định mức giá trị sản phẩm.
- Tính lương, phụ cấp cho cán bộ, công nhân viên và thực hiện các khoản trích theo lương như BHYT, BHXH, BHTN…
- Lập bảng phân bổ các chi phí trả trước ngắn hạn, dài hạn, CCDC, nguyên vật liệu…và hạch toán các khoản phân bổ đó
- Tính và trích, hạch toán khấu hao TSCĐ.
- Kế toán tổng hợp kiểm kê lại TSCĐ định kỳ 6 tháng;
- Đối chiếu, kiểm tra và cung cấp số liệu chi tiết các khoản trả trước, trích trước, phân bổ hàng tháng;
- Thực hiện các bút toán phân bổ và kết chuyển để đưa vào báo cáo kết quả kinh doanh.
- Lập các Báo cáo Thuế theo quy định pháp luật: Lập tờ khai thuế GTGT, TNDN, tờ khai Lệ phí môn bài,…
- Theo dõi và đối chiếu, kiểm tra việc lập bảng kê hóa đơn GTGT đầu ra, đầu vào, thuế TNCN, thuế TNDN,…
- Lập các Báo cáo Nội bộ theo yêu cầu quản lý, giám đốc như: Báo cáo quản trị (Báo cáo tài chính, báo cáo doanh thu, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh…)
4.3. Công việc của kế toán tổng hợp hàng quý
- Kế toán tổng hợp sẽ làm công việc sau mỗi quý như:
- Nếu DN đủ điều kiện kê khai thuế GTGT theo quý, kế toán tổng hợp lập tờ khai thuế GTGT, TNCN theo quý.
- Kế toán tổng hợp sẽ tính số tiền thuế TNDN (Nếu có phát sinh thì đi nộp tiền thuế TNDN)
- Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý.
- Lập các báo cáo nội bộ (Theo yêu cầu của quản lý).
- Tổng hợp các số liệu hạch toán từ các tài khoản phải thu, phải trả, tính giá thành xuất kho, tính giá vốn hàng bán, tính các khoản thuế bắt buộc phải nộp, lập bảng cân đối số phát sinh của các tài khoản.
- Kiểm tra, đối chiếu số liệu chi tiết từng phần với chứng từ, sổ sách, sổ kế toán chi tiết, sổ cái.
4.4. Công việc của kế toán tổng hợp hàng năm
Công việc của kế toán tổng hợp hàng năm sẽ tập trung nhiều vào đầu năm và cuối năm như sau:
Đầu năm:
- Nộp tiền Lệ phí môn bài (đối với những doanh nghiệp đang hoạt động)
- Nộp tờ khai thuế môn bài và tiền thuế môn bài theo quy định (Đối với những công ty, doanh nghiệp mới thành lập)
- Thực hiện các bút toán đầu năm tài chính mới như: Kết chuyển khoản lãi lỗ của năm tài chính cũ; Hạch toán chi phí thuế môn bài năm tài chính mới.
- Cuối năm:
- Kiểm tra sự cân đối giữa số liệu kế toán chi tiết và tổng hợp với chứng từ, sổ sách, sổ kế toán
- Kiểm tra số dư cuối kỳ có hợp lý và cân đúng với các số liệu trong báo cáo chi tiết.
- Lập bảng cân đối số nghiệp vụ phát sinh tài khoản năm để đưa lên các báo cáo.
- Lập tờ khai quyết toán thuế TNDN và TNCN, thuế GTGT
- Lập báo cáo tài chính, lập báo cáo quản trị, lập báo cáo kết quả kinh doanh,…
- In sổ sách theo quy định (sổ quỹ, ngân hàng, báo cáo xuất nhập tồn kho, sổ chi tiết, phiếu thu chi….)
5. Những kỹ năng cần có trong công việc của kế toán tổng hợp
Mô tả công việc của kế toán tổng hợp
Để làm một kế toán tổng hợp giỏi các bạn cần có và cải thiện những kỹ năng cơ bản trong công việc như dưới đây:
- Có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ kế toán, có khả năng tổng hợp, cập nhật các thông tư, quyết định của Bộ, Chính phủ.
- Có kỹ năng tin học văn phòng thành thạo.
- Tổ chức, sắp xếp và xây dựng kế hoạch khoa học để thực hiện nhiệm vụ được phân công.
- Trong công việc của kế toán tổng hợp, kế toán viên cần biết tổng hợp, lập và phân tích báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh,…. Hạch toán, định khoản, đối chiếu, kiểm tra, lưu trữ, sắp xếp và bảo quản sổ sách, chứng từ, hóa đơn một cách cẩn thận và khoa học
- Công việc của kế toán tổng hợp là thi hành nhiệm vụ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật.
- Tuân theo các nguyên tắc kế toán, đạo đức một kế toán viên cần có.
- Nắm bắt rõ, am hiểu về các Luật Thuế, Luật BHXH, Luật Lao động,…
- Có kiến thức căn bản về công nghệ quy trình sản xuất kinh doanh trong công ty.
- Một số nhà tuyển dụng hiện nay đặt ra yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, các chứng chỉ kế toán khác như FIA, CAT, ACCA,…
- Công việc của kế toán tổng hợp cần khả năng giao tiếp tốt, hòa hảo mới mọi người trong bộ phận và các bộ phận khác trong doanh nghiệp, các quan hệ bên ngoài như chi cục thuế, ngân hàng, đối tác, khách hàng, nhà cung cấp,…
-
Có các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc độc lập, khả năng lãnh đạo, xử lý các vấn đề phát sinh, khả năng chịu được áp lực công việc, phong cách làm việc trung thực, cẩn thận và chuyên nghiệp… sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của kế toán tổng hợp.