Ngày đăng: 12/02/2025 – Ngày cập nhật: 28/03/2025
Nguồn: Sưu tầm
Hồ sơ thanh tra bảo hiểm xã hội gồm những gì? Đó là vấn đề đang được hầu hết các doanh nghiệp quan tâm đến. Trước khi Cơ quan BHXH đến kiểm tra, để tránh việc thiếu, sai sót doanh nghiệp cần chuẩn bị trước hồ sơ. Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ với bạn vấn đề này qua bài viết “Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ khi bị thanh tra bảo hiểm xã hội”
Thanh tra bảo hiểm xã hội
Theo Điều 17 Quyết định 1518/QĐ-BHXH ngày 18/06/2022, nội dung liên quan đến các vấn đề thanh tra bảo hiểm xã hội gồm:
- Tình trạng đóng BHXH,BHYT,BHTN của các doanh nghiệp như: đối tượng, mức đóng và đóng qua phương thức nào
- Các quy định về pháp luật, hướng dẫn về BHXH, BHYT, BHTN được các doanh nghiệp thực hiện như thế nào?
- Giải quyết tố cáo, khiếu nại đúng quy định của pháp luật và của Ngành đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào hệ thống BHXH Việt Nam
- Một số các nội dung khác theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra, kiểm tra
Thời gian thanh tra BHXH và những doanh nghiệp dễ bị thanh tra
Thời gian
Luật pháp hoàn toàn không quy định thời gian cụ thể để thanh tra BHXH cũng như các trường hợp bị thanh tra BHXH. Tuy nhiên, thông qua những quy định pháp luật đối với BHXH Việt Nam, ta có thể hiểu như sau:
- Mỗi năm, tùy thuộc theo định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT thì bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
- Tiến hành thanh tra đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Đôi khi việc thanh tra cũng được tiến hành khi người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giao.
Các trường hợp bị thanh tra Bảo hiểm xã hội
Theo kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội thì chúng tôi đút kết được doanh nghiệp mắc phải một trong số các lỗi sau đây sẽ dễ bị thanh tra nhất:
- Những doanh nghiệp vừa Quyết toán thuế.
- Những doanh nghiệp bị nghi ngờ trục lợi bảo hiểm.
- Doanh nghiệp chuẩn bị thanh toán tiền hưởng trợ cấp bảo hiểm: Thai sản, ốm đau…
- Doanh nghiệp nợ BHXH nhiều và kéo dài không có dấu hiệu nộp.
- Khi doanh nghiệp thực hiện báo giảm, bổ sung lao động.
- Cơ quan quản lý trực tiếp kiểm tra định kỳ hoạt động doanh nghiệp…
Kinh nghiệm, hồ sơ cần chuẩn bị trước khi bị thanh tra BHXH
Khi thanh tra, cơ quan Thanh tra Bảo hiểm xã hội sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp những giấy tờ hồ sơ phù hợp. Tuy nhiên, để chắc chắn, doanh nghiệp nên chuẩn bị trước một số loại giấy tờ sau đây:
- Đăng ký thang bảng lương và đăng ký sử dụng lao động với Phòng Lao động thương binh và xã hội (bản sao)
- Đăng ký Kinh doanh (bản sao)
- Bảng chấm công – Bảng thanh toán lương
- Quyết toán thuế TNCN – TNDN của doanh nghiệp
- Hợp đồng lao động tất cả các lao động trong công ty (bao gồm tất cả các hợp đồng đã ký kết, quyết định thôi việc đối với nhân viên đã thôi việc)
- Hồ sơ cá nhân của toàn bộ lao động trong công ty (Sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, văn bằng – chứng chỉ….)
Doanh nghiệp bị xử phạt như thế nào nếu phát hiện vi phạm?
Theo Khoản 2,3 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về “QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG” có đề cập như sau:
Mức phạt do chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ
- a) Hành vi:
Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- b) Mức phạt
Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng
Mức phạt do không đóng
- a) Hành vi
Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- b) Mức phạt
Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Hy vọng rằng sau bài viết, bạn đọc đã cập nhật thêm được nhiều thông tin bổ ích về những hồ sơ cần chuẩn thiết khi bị thanh tra bảo hiểm xã hội .