Ngày đăng: 26/02/2021 – Ngày cập nhật: 26/07/2021
A. THÔNG TIN CHUNG
Tài liệu giới thiệu một số quy trình nghiệp vụ trong phần mềm ERP FBO – Fast Business Online.
Mục đích của tài liệu dùng để trao đổi, giới thiệu sản phẩm FBO cho khách hàng hoặc dùng để tham khảo trong quá trình xây dựng giải pháp cho khách hàng.
Đối với một khách hàng cụ thể thì cần cụ thể hóa, đơn giản hơn hoặc chi tiết hơn hoặc thay đổi cho đúng với thực tế và nhu cầu của khách hàng đó.
Các ký hiệu giao ước được sử dụng để mô tả các quy trình như sau:
B. QUY TRÌNH
1. Quy trình bán hàng – thu tiền
1.1 Sơ đồ nghiệp vụ quy trình
1.2 Diễn giải quy trình
Quy trình nghiệp vụ bán hàng – thu tiền trên FBO có 14 bước, chi tiết:
BƯỚC | NỘI DUNG BƯỚC |
1 | Khi khách hàng có nhu cầu mua hàng, liên hệ với nhân viên bán hàng để yêu cầu báo giá. Nhân viên bán hàng thực hiện lập Giấy báo giá trên hệ thống để lưu thông tin và gửi giấy báo giá cho khách hàng. |
2 |
Sau khi khách hàng xác nhận mua hàng, nhân viên bán hàng tiến hành lập hợp đồng bán hàng và ghi nhận thông tin hợp đồng bán hàng trên hệ thống để lưu thông tin và gửi cho người có thẩm quyền duyệt. |
3 | Người có thẩm quyền tiếp nhận hợp đồng thực hiện kiểm tra và duyệt hợp đồng trên hệ thống. Nếu đồng ý chuyển thông tin sang bước tiếp theo, nếu không đồng ý nhân viên bán hàng kiểm tra điều chỉnh, xử lý thông tin hợp đồng. |
4 | Sau khi hợp đồng bán hàng được hai bên ký xác nhận, nhân viên bán hàng tiến hành lập đơn hàng trên hệ thống để lưu thông tin và gửi cho người có thẩm quyền duyệt đơn hàng. |
5 | Người có thẩm quyền tiếp nhận đơn hàng thực hiện kiểm tra và duyệt đơn hàng trên hệ thống. Nếu đồng ý chuyển thông tin sang bước tiếp theo, nếu không đồng ý nhân viên bán hàng kiểm tra điều chỉnh, xử lý đơn hàng. |
6 | Đơn hàng bán sau khi được duyệt, nhân viên bán hàng thực hiện lập lệnh xuất kho trên hệ thống và chuyển cho bộ phận kho. |
7 | Bộ phận kho sẽ tiếp nhận thông tin từ Lệnh xuất kho, kiểm tra tồn kho của hàng hóa trên hệ thống qua Báo cáo tồn kho. Nếu đủ hàng tiến hành bước tiếp theo, nếu thiếu hàng sẽ thực hiện sản xuất hàng (tham khảo quy trình sản xuất) hoặc mua hàng (tham khảo quy trình mua hàng – thanh toán nợ). |
8 | Sau khi kiểm tra số lượng hàng bán đủ với số lượng trên đơn hàng, thủ kho tiến hành xuất hàng đồng thời lập phiếu xuất kho trên hệ thống. |
9 | Sau khi bộ phận kho thực hiện xuất hàng xong, kế toán dựa vào phiếu xuất kho đã lập để ghi nhận công nợ của khách hàng trên hệ thống vào hóa đơn bán hàng. |
10 | Bộ phận giao hàng sau khi nhận được thông tin xuất hàng của bộ phận kho, thực hiện lập phiếu giao hàng trên hệ thống để thực hiện chuyển hàng giao cho khách. |
11 | Khách hàng xác nhận nhận hàng đã giao, bộ phận giao hàng thực hiện xác nhận trên hệ thống phiếu giao hàng đã hoàn tất. Nếu khách hàng không đồng ý, chuyển hàng tới bộ phận kho làm thủ tục nhập kho. |
12 | Thủ kho nhận hàng khách hàng trả lại đồng thời lập phiếu nhập kho trên hệ thống để ghi nhận thông tin hàng nhập kho. |
13 | Kế toán thực hiện ghi nhận thông tin hàng bán trả lại trên hệ thống để ghi giảm công nợ của khách hàng sau khi nhận được thông tin nhập hàng bán trả lại từ bộ phận kho. |
14 | Đến thời hạn khách hàng thanh toán nợ, dựa trên thông tin giao hàng khách hàng đã xác nhận, hàng bán trả lại và hóa đơn bán hàng, kế toán thực hiện thu nợ của khách hàng và ghi nhận thông tin trên hệ thống. Nếu thu bằng tiền mặt thì lập phiếu thu, nếu thu qua ngân hàng thì lập giấy báo có. |
2. Quy trình mua hàng – thanh toán
2.1 Sơ đồ nghiệp vụ quy trình
2.2 Diễn giải quy trình
Quy trình nghiệp vụ Mua hàng – Thanh toán trên FBO có 18 bước, chi tiết nội dung các bước:
BƯỚC | NỘI DUNG BƯỚC |
1 | Khi nhận yêu cầu mua hàng từ các bộ phận hoặc nhận kế hoạch mua hàng dự trữ từ cấp có thẩm quyền, nhân viên mua hàng lập phiếu nhu cầu vật tư để ghi nhận thông tin mua hàng và chuyển tới cấp có thẩm quyền duyệt thông tin. |
2 | Cấp có thẩm quyền thực hiện kiểm tra và duyệt phiếu nhu cầu vật tư. Nếu không đồng ý chuyển lại thông tin cho nhân viên mua hàng điều chỉnh, xử lý nhu cầu vật tư. Nếu đồng ý, nhân viên mua hàng nhận thông tin và thực hiện bước tiếp theo. |
3 | Sau khi yêu cầu vật tư được duyệt, nhân viên mua hàng tiến hành lập đề nghị báo giá trên hệ thống để ghi nhận thông tin và gửi cho nhà cung cấp báo giá. |
4 | Sau khi nhận báo giá của nhà cung cấp, nhân viên mua hàng thực hiện ghi nhận thông tin lên hệ thống qua nghiệp vụ cập nhật báo giá của nhà cung cấp. |
5 | Sau khi đã có báo giá của nhà cung cấp, cùng với nhu cầu vật tư, nhân viên mua hàng thực hiện lựa chọn nhà cung cấp, ghi nhận thông tin trên hệ thống. |
6 | Sau khi xác nhận mua hàng của nhà cung cấp, nhân viên mua hàng tiến hành liên hệ với nhà cung cấp để hai bên xác nhận thông tin mua hàng qua hợp đồng mua hàng, đồng thời nhập thông tin cơ bản về hợp đồng trên hệ thống để lưu thông tin và gửi cho người có thẩm quyền duyệt. |
7 | Người có thẩm quyền tiếp nhận hợp đồng thực hiện kiểm tra và duyệt hợp đồng trên hệ thống. Nếu đồng ý chuyển thông tin sang bước tiếp theo, nếu không đồng ý nhân viên mua hàng kiểm tra điều chỉnh, xử lý thông tin hợp đồng. |
8 | Sau khi hai bên ký xác nhận hợp đồng, nhân viên mua hàng thực hiện lập đơn hàng mua trên hệ thống để ghi nhận thông tin và chuyển cho cấp có thẩm quyền duyệt. |
9 | Người có thẩm quyền tiếp nhận đơn hàng thực hiện kiểm tra và duyệt đơn hàng trên hệ thống. Nếu đồng ý chuyển thông tin sang bước tiếp theo, nếu không đồng ý nhân viên mua hàng hàng kiểm tra điều chỉnh, xử lý đơn hàng. |
10 | Nếu hàng mua về là hàng nhập khẩu, nhân viên mua hàng thực hiện lập tờ khai hải quan trên hệ thống để ghi nhận thông tin trước khi hàng về kho. |
11 | Khi hàng mua về kho, thủ kho thực hiện nhập kho, đồng thời lập phiếu nhập kho trên hệ thống để ghi nhận thông tin. |
12 | Kế toán ghi nhận thông tin công nợ phải trả cho nhà cung cấp trên hệ thống (hóa đơn mua hàng) sau khi bộ phận kho tiến hành nhập hàng mua về hoàn tất. |
13 | Hàng mua về sau khi nhập kho, tiến hành kiểm định chất lượng, nhân viên mua hàng sẽ ghi nhận thông tin trên hệ thống, xác nhận thông tin kiểm định nếu đạt thì chuyển thông tin qua bước tiếp theo, nếu không đạt chuyển cho bộ phận kho xử lý. |
14 | Sau khi kiểm định chất lượng, hàng mua về không đạt cần trả lại hàng mua cho nhà cung cấp, thủ kho tiến hành xuất hàng và ghi nhận thông tin vào phiếu xuất kho trên hệ thống. |
15 | Kế toán thực hiện ghi nhận thông tin hàng mua trả lại trên hệ thống để ghi giảm công nợ phải trả cho nhà cung cấp sau khi nhận được thông tin xuất hàng mua trả lại từ bộ phận kho. |
16 | Đến thời hạn thanh toán nợ cho nhà cung cấp, dựa trên thông tin kiểm định đã xác nhận, hàng mua trả lại và hóa đơn mua hàng, kế toán lập đề nghị chi trên hệ thống để chuyển thông tin cho cấp có thẩm quyền duyệt. |
17 | Người có thẩm quyền tiếp nhận phiếu đề nghị, kiểm tra và duyệt phiếu đề nghị chi tiền trên hệ thống. Nếu đồng ý chuyển thông tin cho kế toán thực hiện chi thanh toán nợ, nếu không đồng ý ghi nhận lý do không đồng ý và chuyển lại cho kế toán xử lý phiếu đề nghị chi tiền (điều chỉnh phiếu, hủy phiếu, …). |
18 | Sau khi đề nghị chi tiền được duyệt, kế toán thực hiện chi tiền thanh toán cho nhà cung cấp đồng thời ghi nhận nghiệp vụ trên hệ thống. Nếu chi bằng tiền mặt thì lập phiếu chi, nếu chi qua ngân hàng thì lập giấy báo nợ. |
3. Quy trình sản xuất
3.1 Sơ đồ nghiệp vụ quy trình
3.2 Diễn giải quy trình nghiệp vụ
Quy trình nghiệp vụ quản lý Sản xuất trên hệ thống FBO có 30 bước, chi tiết nội dung các bước:
BƯỚC | NỘI DUNG BƯỚC |
1 | Dựa trên thông tin tiêu thụ sản phẩm trong một kỳ đã được dự báo, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất nhập thông tin dự báo vào nghiệp vụ Dự báo bán hàng trên hệ thống. |
2 | Trường hợp không sử dụng phần hoạch định sản xuất nhưng có sử dụng phần hoạch định nguyên liệu, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất vào nghiệp vụ Kế hoạch sản xuất trong hệ thống để nhập liệu đầu vào. Khi nhập liệu sẽ nhập các nhu cầu sản xuất thành phẩm, bán thành phẩm, dựa vào đó chương trình sẽ phân rã thành các nguyên liệu tương ứng theo cấu trúc sản phẩm. |
3 | Trường hợp sử dụng phần hoạch định sản xuất, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất chọn nghiệp vụ Hoạch định sản xuất trên hệ thống để lên kế hoạch sản xuất sản phẩm. Chương trình sẽ tự động tính dựa trên dữ liệu của đơn hàng bán (Quy trình bán hàng – Thu tiền) và dự báo bán hàng. |
4 | Để dự trù thông tin về nhân công sản xuất, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất thực hiện thông tin tại nghiệp vụ Hoạch định năng lực sản xuất trên hệ thống. |
5 | Để lên dự trù thông tin công suất máy thực hiện sản xuất sản phẩm, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất thực hiện thông tin hoạch định tại nghiệp vụ Hoạch định công suất trên hệ thống. |
6 | Sau khi hoạch định về năng lực sản xuất và công suất, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất tiến hành lên dự trù nguyên vật liệu dùng để sản xuất sản phẩm trên hệ thống tại nghiệp vụ Hoạch định nguyên vật liệu. |
7 | Để chuyển thông tin kế hoạch sản xuất đến bộ phận phân xưởng, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất thực hiện nghiệp vụ Chuyển kế hoạch sang lệnh sản xuất để tạo Lệnh sản xuất mới trên hệ thống. |
8 |
Lệnh sản xuất sau khi được tạo, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất có thể xem nội dung lệnh tại nghiệp vụ Lệnh sản xuất trên hệ thống và in lệnh sản xuất chuyển cho bộ phận Phân xưởng Trường hợp lập mới một Lệnh sản xuất không qua kế hoạch sản xuất, nhân viên theo dõi kế hoạch sản xuất có thể lập một lệnh mới ở nghiệp vụ này. |
9 | Để thực hiện sản xuất, quản đốc phân xưởng cần tạo yêu cầu sản xuất. Ở bước này, quản đốc xưởng có thể tạo nhanh yêu cầu sản xuất từ lệnh sản xuất tại nghiệp vụ tạo yêu cầu sản xuất trên hệ thống. |
10 |
Yêu cầu sản xuất sau khi được tạo, quản đốc phân xưởng có thể xem thông tin tại nghiệp vụ Yêu cầu sản xuất, in yêu cầu và chuyển thông tin cho cấp có thẩm quyền duyệt thông tin. Trường hợp lập mới một Yêu cầu sản xuất không qua Lệnh sản xuất, quản đốc phân xưởng có thể lập một lệnh mới ở nghiệp vụ này. |
11 | Cấp có thẩm quyền thực hiện kiểm tra và duyệt yêu cầu sản xuất trên hệ thống. Nếu không đồng ý chuyển lại thông tin cho quản đốc phân xưởng điều chỉnh, xử lý nhu cầu vật tư. Nếu đồng ý, quản đốc phân xưởng nhận thông tin và chuẩn bị sản xuất sản phẩm. |
12 | Để thực hiện sản xuất sản phẩm cần có nguyên vật liệu, vật tư để sản xuất, quản đốc phân xưởng thực hiện lập phiếu yêu cầu lĩnh vật tư trên hệ thống và chuyển cho thông tin đến cấp có thẩm quyền duyệt yêu cầu. |
13 | Cấp có thẩm quyền kiểm tra và duyệt phiếu yêu cầu lĩnh vật tư trên hệ thống. Nếu đồng ý chuyển thông tin cho quản đốc phân xưởng và bộ phận kho thực hiện bước tiếp theo. Nếu không đồng ý gửi lại lý do không đồng ý cho quản đốc phân xưởng thực hiện kiểm tra và xử lý thông tin. |
14 | Sau khi nhận được yêu cầu lĩnh vật tư đã duyệt, bộ phận kho tiến hành kiểm tra hàng tồn (có thể kiểm tra trong hệ thống qua báo cáo tồn kho trên hệ thống). Nếu đủ số lượng yêu cầu thực hiện xuất kho, nếu thiếu tiến hành mua mới nguyên vật liệu, vật tư (xem chi tiết ở quy trình Mua hàng – Thanh toán). |
15 | Nguyên vật liệu, vật tư đủ số lượng yêu cầu của quản đốc phân xưởng, bộ phận kho tiến hàng thủ tục xuất điều chuyển, ghi nhận thông tin xuất chuyển vật tư cho phân xưởng trên hệ thống. |
16 | Khi nhận vật tư từ bộ phận kho chuyển đến, quản đốc xưởng thực hiện ghi nhận thông tin nhập vật tư vào nghiệp vụ Phiếu nhập xuất phân xưởng trên hệ thống. |
17 | Khi thực hiện sản xuất sản phẩm, quản đốc xưởng thực hiện ghi nhận thông tin xuất nguyên vật liệu, vật tư và sản xuất sản phẩm trên hệ thống ở nghiệp vụ Giao dịch phân xưởng. Thông tin xuất nguyên vật liệu, vật tư sẽ được hệ thống tự động tạo phiếu xuất kho. |
18 | Quản đốc xưởng thực hiện ghi nhận thông tin máy sản xuất sản phẩm trên hệ thống ở nghiệp vụ Giao dịch máy. |
19 | Khi sản xuất sản phẩm qua nhiều công đoạn, quản đốc xưởng cần ghi nhận thông tin chuyển công đoạn, thực hiện ghi nhận thông tin này trên hệ thống ở nghiệp vụ Điều chuyển công đoạn trên hệ thống. |
20 | Bán thành phẩm hoặc thành phẩm khi sản xuất xong cần kiểm tra chất lượng trước khi thực hiện sản xuất tiếp hoặc nhập kho. Sau khi bán thành phẩm, thành phẩm được kiểm tra chất lượng xong, nhân viên kiểm tra chất lượng thực hiện nhập thông tin lên hệ thống tại nghiệp vụ Phiếu duyệt chất lượng để chuyển thông tin đến cấp có thẩm quyền duyệt thông tin phiếu. |
21 | Cấp có thẩm quyền kiểm tra và duyệt phiếu duyệt chất lượng trên hệ thống. Nếu đạt chuyển thông tin cho quản đốc phân xưởng thực hiện bước tiếp theo. Nếu không đạt gửi lại lý do không đồng ý cho quản đốc phân xưởng thực hiện kiểm tra và xử lý thông tin. |
22 | Thành phẩm sau khi đã được duyệt chất lượng, quản đốc phân xưởng chuyển thông tin cho bộ phận kho tiến hành nhập kho và ghi nhận thông tin nhập kho trên hệ thống tại nghiệp vụ Phiếu nhập xuất phân xưởng. |
23 | Để tính giá thành sản sản phẩm, kế toán giá thành cần thực hiện ghi nhận thông tin sản phẩm dở dang (SPDD) cuối kỳ, nhập số lượng SPDD vào hệ thống tại nghiệp vụ Cập nhật số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ. |
24 | Kế toán giá thành thực hiện tính số lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ trên hệ thống để hệ thống ghi nhận thông tin làm cơ sở cho việc tính giá thành sản phẩm. |
25 | Kế toán giá thành thực hiện tập hợp chi phí phát sinh cho sản phẩm qua nghiệp vụ Tập hợp chi phí phát sinh trong kỳ trên hệ thống. |
26 | Kế toán giá thành thực hiện tính hệ số phân bổ cho các chi phí tập hợp trên hệ thống để làm cơ sở cho việc tính giá thành sản phẩm. |
27 | Sau khi tập hợp chi phí phát sinh và tính hệ số phân bổ chi phí, kế toán giá thành tiến hành phân bổ chi phí phát sinh cho sản phẩm tại nghiệp vụ Phân bổ chi phí phát sinh trong kỳ trên hệ thống. |
28 | Kế toán giá thành thực hiện tính chi phí dở dang cuối kỳ của sản phẩm trên hệ thống để ghi nhận thông tin. |
29 | Dựa vào thông tin ghi nhận chi phí dở dang cuối kỳ và phân bổ chi phí phát sinh trên hệ thống, kế toán giá thành thực hiện nghiệp vụ Tính giá thành sản phẩm trên hệ thống để hệ thống tính toán và đưa ra số liệu về giá thành của sản phẩm. |
30 | Sau khi thực hiện tính giá thành sản phẩm xong, kế toán giá thành cần thực hiện cập nhật giá vốn cho sản phẩm nhập kho. Để thực hiện thao tác này, kế toán giá thành cần thực hiện nghiệp vụ Cập nhật giá cho phiếu nhập thành phẩm trên hệ thống. |
4. Quy trình quản lý tài sản cố định – công cụ dụng cụ phân bổ nhiều kỳ
4.1 Sơ đồ nghiệp vụ quy trình
4.2 Diễn giải quy trình
4.2.1 Quản lý tài sản cố định
Quy trình nghiệp vụ quản lý Tài sản cố định trên hệ thống có 8 bước, chi tiết nội dung các bước:
BƯỚC | NỘI DUNG BƯỚC |
1 | Tài sản cố định (TSCĐ) mua mới (Các bước mua mới TSCĐ tham khảo tại quy trình Mua hàng – Thanh toán) khi đưa vào sử dụng, kế toán ghi nhận thông tin theo dõi TSCĐ trên hệ thống. |
2 | Cuối kỳ, kế toán vào hệ thống và thực hiện tính khấu hao TSCĐ. |
3 | Khấu hao TSCĐ sau khi được tính xong, kế toán làm nghiệp vụ phân bổ khấu hao TSCĐ để chuyển thông tin sang sổ cái. |
4 | Trường hợp trong kỳ nếu phát sinh điều chỉnh giá trị TSCĐ, kế toán vào nghiệp vụ điều chỉnh giá trị TSCĐ để ghi nhận thông tin. Đồng thời, kế toán thực hiện lập phiếu kế toán tổng hợp trên hệ thống để hạch toán bút toán điều chỉnh giá trị TSCĐ ghi nhận thông tin lên sổ sách kế toán. |
5 | Trường hợp trong kỳ có phát sinh nghiệp vụ điều chuyển TSCĐ từ bộ phận này sang bộ phận khác, kế toán vào nghiệp vụ Điều chuyển bộ phận sử dụng trên hệ thống để ghi nhận thông tin điều chuyển. |
6 | Trường hợp trong kỳ nếu muốn tạm dừng khấu hao TSCĐ trong một khoảng thời gian nhất định, kế toán thực hiện khai báo tạm dừng khấu hao trên hệ thống để ghi nhận thông tin. |
7 | Trường hợp trong kỳ phát sinh nghiệp vụ dừng khấu hao TSCĐ, không thực hiện khấu hao TSCĐ nữa, kế toán vào hệ thống, thực hiện khai báo thôi khấu hao để ghi nhận thông tin. |
8 | Trong kỳ phát sinh trường hợp giảm TSCĐ (thanh lý, nhượng bán, mất mát, …), kế toán vào hệ thống thực hiện khai báo giảm TSCĐ để ghi nhận thông tin. Đồng thời, kế toán thực hiện lập phiếu kế toán tổng hợp trên hệ thống để hạch toán bút toán ghi giảm TSCĐ, ghi nhận thông tin lên sổ sách kế toán. |
4.2.2 Quản lý công cụ dụng cụ phân bổ nhiều kỳ
Quy trình nghiệp vụ quản lý Công cụ dụng cụ phân bổ nhiều kỳ trên FBO có 10 bước, chi tiết nội dung các bước:
BƯỚC | NỘI DUNG BƯỚC |
1 | Các bộ phận khi có nhu cầu sử dụng Công cụ dụng cụ (CCDC), thực hiện lập phiếu yêu cầu lĩnh vật tư trên hệ thống và chuyển cho thông tin đến cấp có thẩm quyền duyệt yêu cầu. |
2 | Cấp có thẩm quyền kiểm tra và duyệt phiếu yêu cầu lĩnh vật tư trên hệ thống. Nếu đồng ý chuyển thông tin cho bộ phận yêu cầu và bộ phận kho thực hiện bước tiếp theo. Nếu không đồng ý gửi lại lý do không đồng ý cho bộ phận yêu cầu thực hiện kiểm tra và xử lý thông tin. |
3 | Sau khi nhận được yêu cầu lĩnh vật tư đã duyệt, bộ phận kho tiến hành kiểm tra hàng tồn (có thể kiểm tra trong hệ thống qua báo cáo tồn kho trên hệ thống). Nếu đủ số lượng yêu cầu thực hiện xuất kho, nếu thiếu tiến hành mua mới CCDC (xem chi tiết ở quy trình Mua hàng – Thanh toán). |
4 | CCDC đủ số lượng yêu cầu của bộ phận yêu cầu, bộ phận kho tiến hàng thủ tục xuất kho, ghi nhận thông tin xuất kho vào phiếu xuất kho trên hệ thống. |
5 | Sau khi nhận được thông tin xuất dùng CCDC cần theo dõi phân bổ nhiều kỳ, kế toán vào hệ thống nhập thông tin ghi nhận theo dõi CCDC xuất dùng. |
6 | Cuối kỳ, kế toán vào hệ thống và thực hiện tính phân bổ chi phí CCDC. |
7 | Chi phí CCDC sau khi được tính xong, kế toán làm nghiệp vụ bút toán phân bổ chi phí CCDC để chuyển thông tin sang sổ cái. |
8 | Trường hợp trong kỳ có phát sinh nghiệp vụ điều chuyển CCDC từ bộ phận này sang bộ phận khác, kế toán vào nghiệp vụ Điều chuyển bộ phận sử dụng trên hệ thống để ghi nhận thông tin điều chuyển. |
9 | Trường hợp trong kỳ phát sinh nghiệp vụ dừng phân bổ chi phí CCDC, không thực hiện phân bổ chi phí CCDC nữa, kế toán vào hệ thống, thực hiện khai báo thôi phân bổ để ghi nhận thông tin. |
10 | Trong kỳ phát sinh trường hợp giảm/hỏng CCDC, kế toán vào hệ thống thực hiện khai báo giảm/hỏng CCDC để ghi nhận thông tin. Đồng thời, kế toán thực hiện lập phiếu kế toán trên hệ thống để hạch toán bút toán ghi giảm/hỏng CCDC, ghi nhận thông tin lên sổ sách kế toán. |
Xem tiếp phần 2 tại <link>