Ngày đăng: 07/12/2021 – Ngày cập nhật: 07/12/2021
Nguồn: Thư Viện Pháp Luật
Các thông tư dưới đây được Bộ Tài Chính ban hành với mục đích hướng dẫn về chế độ quản lý sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
1. Thông tư số 45/2013/TT-BTC “Hướng dẫn về chế độ quản lý sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định”
Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành ngày 25-04-2013 nhằm hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định do bộ trưởng bộ tài chính ban hành
Xem chi tiết tại <link>
2. Thông tư 147/2016/TT-BTC “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC”
Thông tư 147/2016 /TT-BTC được ban hành ngày 13-10-2016 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC: Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Thông tư 147/2016 /TT-BTC có một số điểm đáng chú ý sau:
Tài sản cố định (TSCĐ) dùng cho thuê, bán không được trích khấu hao.
Tài sản là nhà hỗn hợp vừa sử dụng làm tài sản hoạt động của doanh nghiệp vừa để bán, để cho thuê thì phải tách riêng và chỉ được hạch toán TSCĐ, đưa vào chi phí khấu hao phần tài sản doanh nghiệp sử dụng;
Nếu tài sản dùng hỗn hợp không tách riêng được phần TSCĐ cho thuê, bán thì toàn bộ tài sản đó không được hạch toán TSCĐ, không được trích khấu hao, tức không được công nhận chi phí khấu hao hợp lý.
Bổ sung về phân loại TSCĐ hữu hình, cụ thể:
- Loại 1: Nhà cửa, vật kiến trúc: là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, hàng rào, tháp nước, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, đường sắt, đường băng sân bay, cầu tàu, cầu cảng, ụ triền đà.
- Loại 2: Máy móc, thiết bị: là toàn bộ các loại máy móc, thiết bị dùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy móc chuyên dùng, thiết bị công tác, giàn khoan trong lĩnh vực dầu khí, cần cẩu, dây chuyền công nghệ, những máy móc đơn lẻ.
- Loại 3: Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn: là các loại phương tiện vận tải gồm phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường không, đường ống và các thiết bị truyền dẫn như hệ thống thông tin, hệ thống điện, đường ống nước, băng tải, ống dẫn khí.
- Loại 4: Thiết bị, dụng cụ quản lý: là những thiết bị, dụng cụ dùng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy vi tính phục vụ quản lý, thiết bị điện tử, thiết bị, dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng, máy hút ẩm, hút bụi, chống mối mọt.
- Loại 5: Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm: là các vườn cây lâu năm như vườn cà phê, vườn chè, vườn cao su, vườn cây ăn quả, thảm cỏ, thảm cây xanh…; súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm như đàn voi, đàn ngựa, đàn trâu, đàn bò…
- Loại 6: Các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác.
- Loại 7: Các loại tài sản cố định khác: là toàn bộ các tài sản cố định khác chưa liệt kê vào sáu loại trên.
- Thông tư 147/2016 /TT-BTC quy định TSCĐ đầu tư từ vốn Nhà nước (TSCĐ loại 6 được quy định tại Khoản 2 Điều 1) không phải trích khấu hao; thanh lý, nhượng bán đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và giá bán, thanh lý đều nộp thăng vào Ngân sách Nhà nước.
…
Xem chi tiết tại <link>
3. Thông tư 28/2017/TT-BTC “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC và Thông tư số 147/2016/TT-BTC”
Thông tư 28/2017/TT-BTC ban hành ngày 12-04-20217 được cho là đã làm rõ hơn một số quy định về trích khấu hao, quản lý và sử dụng tài sản cố định của các văn bản trước đó, như: bãi bỏ khoản 1 Điều 1 Thông tư 147/2016/TT-BTC, bổ sung khoản 2 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC.
Theo đó, tài sản là nhà hỗn hợp (vừa dùng sản xuất kinh doanh, vừa để bán, vừa cho thuê) thì doanh nghiệp phải xác định và hạch toán riêng phần giá trị của từng phần nhà hỗn hợp theo từng mục đích sử dụng, cụ thể:
Đối với phần giá trị nhà dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh + cho thuê (trừ cho thuê tài chính) thì doanh nghiệp được ghi nhận là TSCĐ, được trích khấu hao theo đúng quy định (quy định trước đây của Thông tư 147/2016/TT-BTC thì phần nhà cho thuê không được trích khấu hao).
Phần giá trị (diện tích) nhà dùng cho mục đích để bán thì doanh nghiệp không được hạch toán là tài sản cố định và không được trích khấu hao mà theo dõi như một hàng hóa, một tài sản để bán.
Đối với nhà hỗn hợp nếu không xác định tách riêng được các phần giá trị tài sản (diện tích) phục vụ cho các mục đích kinh doanh, cho thuế, bán thì toàn bộ phần giá trị tài sản này doanh nghiệp không được hạch toán TSCĐ và không được trích khấu hao.
Xem chi tiết tại <link>